(Tổ Quốc) – Theo chuyên gia, thói quen uống rượu khi không ăn uống gì cực kỳ nguy hiểm, có thể gây hạ đường huyết. Không ít trường hợp vào viện cấp cứu đường huyết xuống còn 0.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong 2 ngày gần đây, trung tâm tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu. Điều đáng lưu ý cả hai bệnh nhân có tuổi đời còn rất trẻ.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân nữ 19 tuổi ở Hà Nội, tối hôm trước khi vào viện, bệnh nhân có đi uống cocktail với bạn ở quán. Do uống nhiều nhưng không ăn nên khi về nhà, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau đầu và lên giường ngủ luôn. Vào ban đêm, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, nôn nhiều nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Một trường hợp trẻ tuổi khác mới vào viện là nam thanh niên 25 tuổi, uống rượu với bạn từ tối hôm trước, không ăn cơm. Sau khi uống rượu, bệnh nhân đi ngủ luôn, sáng sớm hôm sau không thể dậy được, người mệt mỏi nên được gia đình đưa vào viện cấp cứu vì cho rằng bị ngộ độc rượu.
Cả hai trường hợp này đều trong tình trạng toan chuyển hóa, đường huyết giảm. Hiện cả hai đã tỉnh nhưng vẫn mệt nhiều, các bác sĩ đang xét nghiệm định lượng xem rượu có methanol hay không. Tuy nhiên, không chỉ uống rượu có chứa methanol mà ngay cả rượu biết rõ nguồn gốc cũng hoàn toàn có nguy cơ bị ngộ độc.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo hiện có rất nhiều trường hợp, đặc biệt là người trẻ tuổi, uống nhiều rượu nhưng không ăn, khi đó sẽ gây ra tình trạng “no giả”, có nghĩa là bụng no nhưng rỗng không có năng lượng. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp đường máu về mức 0 khi được đưa vào viện cấp cứu.
Sau khi uống rượu xong, đa số mọi người tiếp tục bỏ bữa, đi ngủ luôn. Về phía người nhà, khi thấy người thân uống rượu say và đi ngủ thì mặc kệ, kết quả khi sáng dậy đường huyết giảm sâu, dẫn tới bất tỉnh phải đưa vào viện cấp cứu. Có trường hợp vào cấp cứu đã có tổn thương não.
Ngoài ra, nhiều trường hợp do uống quá nhiều rượu, cơ thể không thể dung nạp được, dẫn tới nôn nhiều, từ đó gây ra tình trạng tụt huyết áp, suy thận, mất nước, thậm chí là gây ảnh hưởng dạ dày, thực quản…
“Những người ít uống rượu, nhưng lại uống nhiều cùng một lúc sẽ dễ bị ngộ độc cấp tính. Còn trường hợp uống rượu nhiều, triền miên từ ngày này sang ngày khác sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể như gan, thận, thần kinh… Do vậy, tốt nhất là không uống rượu hoặc hạn chế tối đa uống rượu ở cả nam và nữ”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo không lái xe khi đã uống rượu.
Theo bác sĩ Nguyên, một số nhóm người sau đặc biệt không nên uống rượu:
– Người không kiểm soát được hành vi;
– Trẻ em và trẻ vị thành niên;
– Người có bệnh lý;
– Người có thể trạng gầy yếu
Để giảm tác hại của rượu bia, lưu ý quan trọng nhất là phải ăn cơm, bún, miến, phở… (thức ăn có tinh bột) để tránh hạ đường huyết. Cần phải dừng ngay việc uống rượu khi mất khả năng kiểm soát, mất thăng bằng.
“Thường mọi người uống rượu xong rất ít người nhận mình say. Vì thế những người xung quanh cần phải nhận biết và khuyên bảo”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Với trường hợp say rượu, để tránh ngộ độc và nguy hiểm đến tính mạng, những người thân xung quanh cần phải kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra. Nếu ngủ thì cần đánh thức dậy, cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Những việc cần tránh khi uống rượu:
– Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu.
– Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… khi say.
– Không nên uống paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi say. Lý do là vì uống các loại thuốc này với rượu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.
– Không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp, càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
– Không nên tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt, có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch…
Người dân nên uống nhiều nước ấm để không bị mất nước khi nôn liên tục. Đặc biệt, nước chè xanh đậm có thể giúp khử độc cồn cấp tính, hoặc sữa nóng, nước gừng tươi (thái lát đun sôi kỹ) giúp máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn.
Nguồn: toquoc.vn