Theo một nghiên cứu mới, các đại dương trên thế giới đang bị ô nhiễm bởi lớp màn nhựa được tạo thành từ khoảng 171 nghìn tỉ phân tử nhựa, ước tính nặng khoảng 2,3 triệu tấn.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phân tích dữ liệu toàn cầu được thu thập từ khoảng 12.000 điểm mẫu ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải trong vòng 40 năm (1979 – 2019). Theo nghiên cứu được công bố ngày 8.3 trên chuyên san khoa học PLOS ONE, kể từ 2005, vấn đề ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa đã gia tăng “nhanh chưa từng thấy”.
CNN dẫn lời bà Lisa Erdle, giám đốc nghiên cứu và đổi mới tại Viện 5 Gyres (Mỹ) đồng thời là tác giả của nghiên cứu, chia sẻ: “Lượng rác thải nhựa đã lớn hơn nhiều so với ước tính”.
Nghiên cứu cho thấy nếu không đưa ra các chính sách khẩn cấp, ước tính lượng rác thải nhựa đổ ra biển có thể tăng khoảng 2,6 lần từ nay đến năm 2040.
Trong vài thập niên trở lại đây, việc sản xuất nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, đang gia tăng nhanh chóng và gây quá tải cho các hệ thống xử lý rác thải. Mỗi năm, chỉ có khoảng 9% nhựa toàn cầu được tái chế.
Một lượng lớn rác thải nhựa đã bị đổ ra biển. Phần lớn là rác thải từ đất liền theo luồng gió, hay các dòng nước mưa chảy xuống sông, sau đó từ sông cuốn ra biển. Một lượng nhỏ (nhưng đáng kể) khác đến từ các dụng cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị rơi xuống biển.
Nhựa khi chìm vào đại dương không bị phân hủy mà sẽ có xu hướng vỡ thành những mảnh nhỏ. Bà Erdle cho biết những phân tử này “thực sự không dễ dàng được lọc sạch và đó là vấn đề nan giải”. Các sinh vật biển có thể bị vướng vào các chất thải nhựa hoặc ăn hạt nhựa đó. Bên cạnh đó, nhựa cũng có thể ngấm hóa chất độc hại vào nước biển.
Nhựa không chỉ là thảm họa của môi trường mà còn gây ảnh hưởng nhiều đến khí hậu. Nguồn nguyên liệu thô của hầu hết các loại nhựa là từ nhiên liệu hóa thạch. Việc sử dụng các nhiên liệu này để sản xuất nhựa và thải bỏ chúng ra môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Việc đưa ra một con số chính xác về lượng rác thải nhựa trong đại dương là một bài toán khó. Bà Erdle cho biết: “Đại dương là một môi trường phức tạp, nơi có nhiều dòng hải lưu cũng như các sự biến đổi theo thời gian do thời tiết và các điều kiện tại đó”.
Các nhà nghiên cứu đã dành nhiều năm trong việc nghiên cứu các bài báo liên quan cũng như các phát hiện chưa công bố từ các nhà khoa học khác để đưa ra một báo cáo tổng quan nhất cả về khung thời gian và địa lý.
Hầu hết các mẫu nghiên cứu đều được lấy từ những nơi có nhiều dữ liệu như Bắc Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương. Đối với các khu vực như Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, Nam Đại Tây Dương và Nam Thái Bình Dương vẫn cần thêm dữ liệu.
Win Cowger, nhà nghiên cứu khoa học tại Viện nghiên cứu ô nhiễm nhựa Moore ở tiểu bang California (Mỹ) và là tác giả của nghiên cứu mới, cho biết: “Nghiên cứu này giúp tôi hiểu rõ hơn về mức độ khó khăn trong việc đo lường và mô tả các hạt nhựa có trong đại dương cũng như đưa ra các giải pháp xử lý thiết thực”.
Kể từ những năm 1970, đã có rất nhiều thỏa thuận được đưa ra nhằm ngăn chặn làn sóng rác thải nhựa tràn vào đại dương. Tuy nhiên, những thỏa thuận này chủ yếu là dựa trên tinh thần tự nguyện, không có tổ chức và mục tiêu cụ thể.
Các tác giả nghiên cứu đề nghị quốc tế cần đưa ra chính sách khẩn cấp. Bà Erdle nói: “Chúng tôi thực sự cần những giải pháp hiệu quả”.
Liên Hiệp Quốc đã thống nhất đưa ra một hiệp ước toàn cầu về nhựa có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024. Hiệp ước này sẽ giải quyết tất cả các vấn đề về nhựa từ khâu sản xuất đến việc thải bỏ. Tuy nhiên, một số bên lo ngại rằng liệu hiệp ước này có dẫn đến việc cắt giảm hoạt động sản xuất nhựa, trong khi nó đang được dự đoán sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050.
Bà Judith Enck, cựu giám đốc khu vực của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ và hiện là chủ tịch của Beyond Plastics – một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ thiên về nghiên cứu và giáo dục người tiêu dùng, cho biết nhiều công ty nhựa đang tiếp tục đẩy mạnh và tìm kiếm nhiều cách thức để đưa sản phẩm nhựa vào thị trường tiêu thụ. Do vậy, giải pháp thiết thực nhất cho vấn đề này là đưa ra các chính sách cắt giảm lượng nhựa được sản xuất ngay từ đầu.
Trong email gửi tới CNN, bà Enck nói rằng: “Các ngành công nghiệp nhựa và hóa dầu đang gây trở ngại lớn trong việc hạn chế chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường biển của chúng ta. Mặc dù các nghiên cứu mới luôn mang lại giá trị, nhưng vấn đề này đã quá rõ ràng và chúng ta cần phải hành động ngay lập tức thay vì chờ đợi các nghiên cứu mới. Nhựa đang tích tụ trong đại dương, không khí, đất, thực phẩm và cả cơ thể của chúng ta”./.
Nguồn: moitruongvadothi.vn