Món bánh tằm bì nước cốt dừa khi gắn thêm hai chữ Bạc Liêu rất được lòng nhiều người Sài Gòn và có người còn mặc định bánh tằm bì là của xứ Bạc Liêu.
Tại miền Tây Nam bộ, gần như khi đến tỉnh nào thực khách cũng có thể tìm và thưởng thức được món bánh tằm bì nước cốt dừa. Người Bạc Liêu rất tự hào khi món ngon này được lòng nhiều thực khách và du khách khi đến xứ này sẽ được gợi ý… ăn một lần cho biết.
Cách đây khá nhiều năm, trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) gần chợ Tân Định có một quán bánh tằm bì Bạc Liêu rất nổi tiếng. Chủ quán là một phụ nữ gốc Bạc Liêu nhưng sinh sống tại Sài Gòn từ trước năm 1975. Với người viết, bà đúng là hình mẫu người phụ nữ công dung ngôn hạnh, nổi bật với tài nấu nướng. Bà có thể nấu rất nhiều món ngon, trong đó có món bánh tằm bì. Bà kết hôn với một trong những vận động viên xe đạp lừng danh Việt Nam thời ấy, ông Nguyễn Văn Châu, cựu vô địch xe đạp nước rút châu Á và Đông Nam Á. Để mưu sinh, bà mở quán bánh tằm bì ngay gần nhà chồng tại Tân Định.
Bà làm món ăn này hoàn toàn theo kiểu truyền thống quê hương. Đó là nấu bánh tằm bằng bột gạo, sau đó se hoàn toàn bằng tay thành từng sợi có độ dài vừa phải, đủ để bỏ gọn vào miệng. Vì cọng bánh tằm được se bằng tay nên hình thù không đều nhau. Vậy nhưng, cái sự thủ công này giúp cho cọng bánh tằm ngon hơn và hơn thế giúp người phố thị cảm nhận được cái hồn vía mộc mạc của nhà quê. Sợi bì của bà làm rất độc đáo, là sự kết hợp của lớp da heo và phần thịt ba rọi thái mỏng.
Kỹ thuật trộn thính của bà khiến cho bì thơm, không khô, vừa có vị bùi vừa phảng phất chút béo nhẹ. Nước cốt dừa béo và thơm cũng là một bí quyết riêng không thể chia sẻ. Còn “linh hồn” của món ngon này có thể xem là chén nước mắm chua ngọt khe khẽ vị cay. Ăn bánh tằm bì mà không dùng nước mắm đúng kiểu ấy thì không thể xem là đã ăn món này.
Quán từng là nơi lui tới của nhiều người nổi tiếng. Có một dạo, nghệ sĩ Thành Lộc đến đây thường xuyên để ăn bánh tằm, bánh đúc và bánh bèo. Thời gian qua đi, nhiều chuyện xảy ra, quán dời về sát cầu Kiệu. Thực khách quen vẫn đến ủng hộ dù không còn thấy bà chủ. Vài năm trở lại đây, không biết vì lý do gì, quán đã đóng cửa.
Giờ đây, ở Sài Gòn, ai muốn ăn bánh tằm bì có thể đến khu ẩm thực của bất kỳ ngôi chợ nào cũng có thể thưởng thức tại chỗ giữa không khí bán mua tấp nập. Mỗi nơi có hương vị khác nhau, dù về cơ bản vẫn là bánh tằm, cốt dừa, bì heo và nước mắm chua ngọt. Mỗi người sẽ hợp từng khẩu vị khác nhau nên sẽ rất khó đánh giá là nơi nào ngon hơn.
Dẫu vậy, có một chị bán món này trên xe đẩy di động được nhiều quý cô quý bà ủng hộ vào ban sáng và trưa. Đó là xe bánh tằm bì của chị Tư ngay bên hông chợ Tân Định. Chị Tư không có bà con họ hàng gì với quán bánh tằm bì Bạc Liêu nổi tiếng được nhắc đến ở phần trên dù chị cũng gốc gác miền Tây. Chị chọn bán ngay chợ Tân Định vì cảm thấy nơi đó thuận tiện.
Cách chị làm món cũng giống như các bà các cô xứ Bạc Liêu ngày xưa. Sợi bánh tằm se tay, bì gồm da heo và phần thịt nạc thái mỏng, nước cốt dừa béo và thơm, chén nước mắm chua ngọt và cay cay. Nhưng chị có thêm miếng chả lụa vào món ăn trứ danh này. Ai không muốn ăn thì nói với chị, nhưng mùi vị chả lụa thơm rất hòa quyện với bánh tằm, bì và nước mắm. Vậy nên, nhiều thực khách khó tánh, thích hương vị rặt truyền thống vẫn chấp nhận và khen ngon. Chị luôn để nước cốt dừa riêng, ai thích ăn thì chan.
Chị Tư bán ở đây vào thứ bảy và chủ nhật, từ 9 giờ sáng đến hết hàng, đẩy xe loanh quanh khu vực bên hông chợ Tân Định trên đường Nguyễn Hữu Cầu, đối diện với các tiệm vàng. Chị bán hộp để khách mang đi, chứ không có bàn ghế. Ai muốn ngồi thì có thể lấy cái ghế nhựa nhỏ, ngồi ăn kiểu dã chiến, xong rồi đi. Bán vỉa hè nhưng ngon và hợp vệ sinh. Giá bán mỗi hộp là 40.000 đồng luôn cả miếng chả lụa lớn.
Có vài người Bạc Liêu hay đến đây mua về ăn. Với họ, món bánh tằm bì của chị Tư có vị rất gần với những tiệm bánh nổi tiếng Bạc Liêu hiện tại.
Nguồn: thanhnien.vn