Bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn cuối có thể chuyển thành suy gan hoặc ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời.
Gan là cơ quan lớn thứ 2 trong cơ thể con người, thực hiện hơn 500 nhiệm vụ quan trọng như chuyển hóa dinh dưỡng từ thực phẩm và lọc bỏ những chất độc hại ra khỏi mạch máu. Chính vì thế, khi sức khỏe của gan có vấn đề sẽ khiến nhiều bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng. Nhận biết các dấu cảnh báo bệnh gan càng sớm thì khả năng điều trị thành công sẽ càng cao.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng khá thường gặp, xảy ra khi lượng mỡ tích tụ trong gan quá cao. Gan nhiễm mỡ có thể gặp ở những người uống nhiều rượu bia, hay còn gọi là gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD). Ở những người không sử dụng rượu bia, bệnh được gọi là gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí World Journal of Gastroenterology vào năm 2017, NAFLD ảnh hưởng tới 25-30% người dân tại Mỹ và Châu Âu.
Các giai đoạn của bệnh gan nhiễm mỡ
Tờ Healthline cho biết gan nhiễm mỡ tiến triển thành 4 giai đoạn:
1. Gan nhiễm mỡ đơn thuần: Đây là giai đoạn chất béo bắt đầu tích tụ trong gan và thường vô hại.
2. Viêm gan do gan nhiễm mỡ: Việc dư thừa chất béo gây ra viêm gan.
3. Hình thành sẹo gan: Tình trạng viêm kéo dài ở gan để lại sẹo nhưng gan vẫn có thể hoạt động bình thường.
4. Xơ gan: Sẹo gan lan rộng, làm suy giảm khả năng hoạt động của gan. Đây là giai đoạn nặng nhất và không thể cứu chữa.
Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có biểu hiện. Tuy nhiên xơ gan ở giai đoạn cuối là tình trạng đáng báo động.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh (NHS) giải thích: “Xơ gan là tình trạng tổn thương gan kéo dài, đặc trưng ở các sẹo trên gan. Các mô gan khỏe mạnh bị thay thế bởi các mô sẹo, từ đó ảnh hưởng tới chức năng gan”.
“Tổn thương do xơ gan không thể phục hồi và cuối cùng có thể lan rộng gây mất chức năng gan hay còn gọi là suy gan.” Suy gan do xơ gan có thể gây tử vong. Tuy nhiên, để bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển tới giai đoạn này có thể mất nhiều năm. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.
“Mỗi năm ở Anh có khoảng 4.000 người chết vì xơ gan và 700 bệnh nhân mắc bệnh này cần được ghép gan để duy trì cuộc sống.”
Dấu hiệu của xơ gan do gan nhiễm mỡ
Xơ gan có 3 dấu hiệu có thể xuất hiện trên da, đó là:
– Ngứa da
– Vàng da
– Dễ có các vết bầm tím trên da
Một số triệu chứng khác của xơ gan gồm:
– Mệt mỏi, kiệt sức
– Chán ăn
– Giảm cân hoặc yếu cơ
– Buồn nôn và nôn
– Đau ở vùng gan
– Nổi những đường nhỏ màu đỏ (mao mạch) trên da ở vùng trên thắt lưng
– Vàng mắt
– Dễ bị xuất huyết hơn, chẳng hạn như chảy máu cam thường xuyên hoặc chảy máu chân răng
– Rụng tóc
– Sốt cao, rét run
– Sưng chân, đặc biệt là vùng mắt cá chân, bàn chân do tích tụ chất lỏng
– Sưng bụng hay còn gọi là cổ trướng
Ở giai đoạn sau của bệnh xơ gan, bạn cũng có thể thấy phân có màu đen. “Điều này là do máu không thể lưu thông một cách bình thường trong gan và làm gia tăng áp lực tĩnh mạch mang máu từ ruột tới gan (tĩnh mạch cửa)”, NHS cho hay.
“Sự gia tăng áp lực có thể gây vỡ mạch máu và gây xuất huyết. Đó chính là lý do khiến cho phân hoặc chất nôn có màu đen.”
Nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ
Có hàng loạt các yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, đó là:
– Thừa cân, béo phì
– Tiểu đường loại 2
– Buồng trứng đa nang
– Tình trạng kháng insulin
– Bệnh tuyến giáp
– Huyết áp cao
– Mỡ máu cao
– Hội chứng chuyển hóa
– Trên 50 tuổi
– Hút thuốc
Chế độ ăn cho bệnh gan nhiễm mỡ
Ở những bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ, việc điều chỉnh chế độ ăn có thể hỗ trợ điều trị bệnh và giảm nguy cơ biến chứng, cụ thể:
– Cố gắng đa dạng nguồn thực phẩm, bao gồm trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, sữa ít béo, chất béo lành mạnh.
– Cắt giảm lượng calo.
– Tăng cường chất xơ: Chất xơ có thể giúp cải thiện chức năng của gan. Thực phẩm giàu chất xơ gồm trái cây và rau tươi, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
– Hạn chế một số loại thực phẩm như thực phẩm nhiều muối; thực phẩm tinh chế, chẳng hạn như kẹo, bánh mì trắng; đồ chiên xào;…
– Tránh ăn đồ ăn chưa nấu chín, đặc biệt là động vật có vỏ sống vì những loại thực phẩm này có thể chứa vi khuẩn gây hại cho gan.
– Kiểm soát đồ uống có cồn: Hãy nói chuyện với bác sĩ về việc bạn có thể uống rượu hay không. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh, bạn có thể uống rượu ở một mức độ nhất định. Nếu bạn bị AFLD, bạn sẽ cần kiêng rượu hoàn toàn.
– Uống đủ nước: Uống đủ nước giúp giữ nước và cải thiện sức khỏe của gan.
(Nguồn: Healthline, Express)
Nguồn: toquoc.vn