“Siêu lừa” 433 tỉ đồng Nguyễn Thị Hà Thành bị viện kiểm sát đề nghị án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong số này, Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, trú tại Hà Nội) bị đề nghị án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngân hàng phải trả tiền cho một số “đại gia”
Cùng tội danh, Nguyễn Thị Thu Hương (cựu Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô – VietABank) bị đề nghị 16 – 18 năm tù, Nguyễn Thanh Tùng (cựu Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) 15 – 16 năm tù, Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô – VietABank) 15 – 17 năm tù…
Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 8 tháng đến 18 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng hoặc tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo viện kiểm sát, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các tổ chức tín dụng và những người gửi tiền.
Trong đó, Nguyễn Thị Hà Thành giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng.
Về trách nhiệm dân sự, tại VietABank, viện kiểm sát đề nghị buộc “siêu lừa” Hà Thành bồi thường cho ngân hàng này 249 tỉ đồng và 2 bị hại là khách VIP tổng cộng 14,5 tỉ đồng.
VietABank có trách nhiệm trả cho các “đại gia” là đồng sở hữu sổ tiết kiệm với Hà Thành, tổng 109 tỉ đồng kèm lãi suất. Riêng với 20 tỉ đồng của ông Đặng Nghĩa Toàn, viện kiểm sát nhận định số tiết kiệm này ông cho Thành vay nhưng Thành lại dùng để đảm bảo cho khoản vay của mình sau đó tại VietABank, vì thế cần tiếp tục tạm giữ để giải quyết dân sự vay mượn của các bên.
Với số tiền “siêu lừa” Hà Thành chiếm đoạt của một nữ “đại gia” ở Lạng Sơn, do người này đang bị xem xét về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nên viện kiểm sát đề nghị không xem xét thiệt hại, đồng thời yêu cầu VietAbank tiếp tục quản lý sổ tiết kiệm của nữ “đại gia” để phục vụ hoạt động điều tra.
Đối với gần 70 tỉ đồng Thành góp cùng đồng sở hữu trong các hợp đồng tiền gửi tại VietAbank, đề nghị tịch thu để đảm bảo thi hành án.
Tại 2 ngân hàng còn lại là PVcomBank và NCB, đại diện viện kiểm sát cũng đề nghị tương tự. Theo đó, “siêu lừa” Hà Thành có nghĩa vụ bồi thường 47,5 tỉ đồng cho NCB và 49,4 tỉ đồng cho PVcomBank.
Riêng 102 tỉ đồng của ông Đặng Nghĩa Toàn có tại các sổ tiết kiệm, viện kiểm sát đều đề nghị các ngân hàng giữ lại để giải quyết dân sự vay mượn của các bên.
Quan điểm trái ngược về các sổ tiết kiệm
Theo cáo buộc của viện kiểm sát, “siêu lừa” Hà Thành cùng đồng phạm thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân.
Từ năm 2016 – 2018, Thành kinh doanh thua lỗ nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân dưới hình thức vay của người sau trả cho người trước.
Ban đầu, bị cáo trả nợ đúng hạn nên tạo được lòng tin với người cho vay và cán bộ ngân hàng. Đồng thời, thông qua mối quan hệ xã hội, bị cáo tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn.
Thành sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng, vay các ngân hàng với số tiền lớn, nên các ngân hàng đều coi bị cáo là khách VIP. Tháng 6.2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Do đó, bị cáo nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối, nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng và các cá nhân.
Thủ đoạn của Thành là nhờ các “đại gia” cho mình vay tiền dưới hình thức mở sổ tiết kiệm cá nhân, hoặc đồng sở hữu tại PVcomBank, NCB và VietABank, sau đó đưa sổ cho Thành giữ. Có sổ, Thành cùng đồng phạm làm giả chữ ký, lập khống hồ sơ… nhằm cầm cố để vay tiền từ chính các ngân hàng.
Với chiêu trò trên, Thành và đồng phạm chiếm đoạt 47,5 tỉ đồng của NCB, 49,4 tỉ đồng của PVcomBank, gần 274 tỉ đồng của VietABank và 63 tỉ đồng của nhiều cá nhân khác.
Quá trình xét xử, “siêu lừa” Hà Thành thừa nhận việc tìm kiếm các “đại gia” để đứng tên đồng sở hữu các sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, việc các nhân viên ngân hàng sau đó làm việc, chỉ đạo nhau để Thành có thể cầm cố sổ rồi vay tiền ra sao, Thành không biết.
Các cựu nhân viên ngân hàng thì nhận “một phần lỗi” khi để “siêu lừa” lợi dụng những kẽ hở trong thẩm định, làm hồ sơ vay vốn, dẫn đến thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Giải thích trước tòa, một số bị cáo thuộc NCB và PVcomBank nói năng lực chuyên môn chưa tốt, một số khẳng định làm đúng quy định, chỉ “hơi thiếu trách nhiệm”. Một số bị cáo thuộc VietABank thì nói làm sai vì sức ép từ cấp trên, buộc phải làm nếu không sẽ bị đuổi việc.
Về quan điểm giải quyết dân sự, đại diện các ngân hàng mong muốn được thay đổi tư cách tố tụng từ bị hại sang người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; đồng thời đề nghị tuyên vô hiệu các giao dịch cho vay cũng như cầm cố sổ tiết kiệm, buộc “siêu lừa” Hà Thành phải bồi thường cho đối tác.
Ngược lại, các “đại gia” đề nghị các ngân hàng trả lại tiền trong sổ tiết kiệm cho mình chứ không phải bị cáo Thành. Họ cho rằng việc gửi tiền vào ngân hàng đúng quy định, luôn tin tưởng tuyệt đối vào ngân hàng sẽ bảo đảm an toàn cho tiền của mình, nhưng cuối cùng lại bị phản bội.
Nguồn: thanhnien.vn