Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM thải ra khoảng 9.700 tấn CTRSH, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 – 10%
Hiện nay, TP.HCM đang bám sát quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 để triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, góp phần giảm ngân sách Nhà nước, thúc đẩy nền công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Thiếu đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý
Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM thải ra khoảng 9.700 tấn CTRSH, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 – 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của thành phố khoảng 0,98kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị với tính chất, thành phần đa dạng phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý. Vì vậy, phân loại CTRSH tại nguồn là một trong những giải pháp được thực TP.HCM triển khai thực hiện từ rất sớm.
Năm 2005, TP.HCM thí điểm triển khai phân loại CTRSH tại một số địa bàn dân cư, tuy nhiên mới dừng ở việc vận động người dân, chưa có quy định chung từ cấp Thành phố nên hiệu quả chưa cao. Triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2013, Thành ủy, UBND, HĐND TP.HCM đã ban hành nhiều chỉ đạo, văn bản quy định về công tác phân loại CTRSH tại nguồn. Theo đó, từ năm 2016, TP.HCM đã mở rộng Chương tình phân loại CTRSH trên nhiều phường trên địa bàn. Giai đoạn 2017 – 2021, TP.HCM thực hiện phân loại thành 3 nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy; nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Từ đầu năm 2021, TP.HCM thay đổi cách thức phân loại, CTRSH trên địa bàn thành phố được phân loại thành 2 nhóm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Việc thay đổi cách phân loại rác sinh hoạt trên đã mang lại thuận lợi cho cả người dân và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác; đồng thời phù hợp với định hướng công nghệ xử lý CTRSH là đốt rác phát điện và tái chế.
Tuy nhiên, theo đánh giá thực tế, dù đã được thí điểm và triển khai từ sớm nhưng chương trình phân loại CTRSH tại nguồn của TP.HCM đến nay vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc và chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Nguyên nhân được xác định là do thiếu đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý. Hiện nay, nhiều người dân còn “ngại” để nhiều thùng rác trong nhà; có tình trạng khi người dân đã phân loại thành từng loại riêng nhưng khi đơn vị đến thu gom lại gộp chung vào nhau… khiến cho người dân không “mặn mà” tham gia chương trình phân loại CTRSH tại nguồn.
Thực tế trên đã được Sở TN&MT thừa nhận. Theo đó, UBND TP.HCM đã ủy quyền cho UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển CTRSH. Tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị thu gom không đủ phương tiện vận chuyển để thu gom vận chuyển riêng các loại rác sau phân loại dẫn đến tình trạng người dân đã phân loại rác sinh hoạt nhưng đơn vị thu gom lại gộp chung trong quá trình vận chuyển về các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý rác.
Giải pháp thiết thực
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm, gồm: CTRSH có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cá nhân không phân loại CTRSH và không sử dụng bao bì chứa CTRSH có thể bị phạt tiền đến 1 triệu đồng.
Vì vậy, cuối năm 2022, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP.HCM triển khai lộ trình thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; đồng thời, chỉ đạo các quận, huyện và TP. Thủ Đức cần có bước chuẩn bị để đảm bảo thực hiện phân loại CTRSH nguồn thành 3 loại, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo quy định của Luật.
Trong đó, Sở TN&MT TP.HCM yêu cầu UBND TP. Thủ Đức và UBND các quận, huyện làm việc với các đơn vị thu gom tại nguồn, đặc biệt là lực lượng thu gom rác dân lập, đơn vị vận chuyển rác trúng thầu tại địa phương để rà soát lại các phương tiện vận chuyển, các điểm hẹn, trạm trung chuyển… đảm bảo nguyên tắc rác sau khi phân loại phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển riêng biệt đến các cơ sở xử lý.
Cùng với đó, Sở TN&MT TP.HCM cũng lưu ý, tùy theo tình hình thực tế, các địa phương đánh giá từng nhóm khối lượng rác sinh hoạt sau phân loại phát sinh; đồng thời, đánh giá năng lực của các đơn vị thu gom, vận chuyển rác để nghiên cứu xây dựng các điểm lưu chứa rác sau phân loại tại các khu vực công cộng trên địa bàn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Để nâng cao hiệu quả Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn, bám sát theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, TP.HCM sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, trung chuyển với các dự án đầu tư xây dựng các khu, nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được duyệt.
Cùng với đó, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập; hoàn thiện việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH tại nguồn. Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu quy định bắt buộc phải phân loại CTRSH tại nguồn.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho rằng: Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tái chế tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy nền công nghiệp tái chế chất thải; đồng thời, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Còn theo GS.TS. Lê Thanh Hải – Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), một trong những cách để phân loại CTRSH tại nguồn có hiệu quả là phải phát triển được mạng lưới tái chế và tái sử dụng rác thải với quy mô lớn. Vì vậy, TP.HCM cần xây dựng và nhân rộng các mô hình tái chế chất thải.
Nguồn: moitruongvadothi.vn