Dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng khu vực doanh nghiệp nói chung và FDI nói riêng đã chú trọng xuất khẩu bền vững và đa dạng sản phẩm hướng tới chế biến sâu.
Theo Bộ Công thương, mặc dù gặp khó khăn sau dịch, chiến sự Nga-Ucraina vẫn chưa có hồi kết, thị trường Trung Quốc rục rịch mở cửa nhưng xxuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng. Riêng trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng và có sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà xuất khẩu đang dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn, nhưng chưa có chiến lược xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, hay organic, mà hiện nay VN mới xuất thô hơn 80% cho các nước khác chế biến. Do đó, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp muốn tồn tại phải có chiến lược chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu.
Để làm được điều này, bên cạnh vốn, các doanh nghiệp còn phải củng cố nguồn lực, áp dụng theo tiêu chuẩn của thế giới để thâm nhập vào thị trường sâu hơn. Đây cũng là cách duy nhất để khẳng định năng lực của mỗi doanh nghiệp.
Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp tìm hướng đi của mình, Nestlé Việt Nam mới đây đã công bố đầu tư thêm 132 triệu USD vào cuối năm 2021. Mục tiêu của doanh nghiệp nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến cà phê chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm đến hơn 25 quốc gia, bao gồm các thị trường khó tính tại châu Âu, Nhật Bản, Mỹ…
Cụ thể, Nestlé Việt Nam đang mở rộng các dây chuyền sản xuất sản phẩm giá trị cao như cà phê viên nén Nescafé Dolce Gusto, cà phê sấy lạnh,… Trong đó, một số dòng sản phẩm cà phê trước đây chỉ nhập khẩu từ châu Âu nay lần đầu được sản xuất tại Việt Nam.
Để gia tăng giá trị nhằm tiếp cận và khai thác những thị trường khó tính, đơn cử với thị trường Nhật Bản, Nestlé Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê hòa tan thô, hạt cà phê decaf thô (hạt cà phê được tách caffeine). Tuy nhiên, từ năm 2020 đến 2023, các sản phẩm xuất sang thị trường này được đa dạng hóa, bao gồm nước tương Maggi, bột thức uống lúa mạch MILO, cà phê sấy lạnh, trà vị chanh Nestea, cà phê hòa tan Nescafe 3in1.
Doanh nghiệp cũng chủ động phát triển sản phẩm theo yêu cầu riêng biệt của từng thị trường để tăng giá trị xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm dành cho các nhóm khách hàng khác nhau…
Bà Nguyễn Trần Hoàng Yến- Giám đốc Chuỗi Cung ứng của Nestlé Việt Nam, cho biết: “Hướng đến đảm bảo xuất khẩu bền vững và gia tăng giá trị cho sản phẩm “Made in Vietnam”, Công ty không ngừng đầu tư công nghệ, chuỗi giá trị và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường cũng như các yêu cầu riêng biệt của các thị trường khó tính. Năm 2023, xuất khẩu của công ty được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khả quan”.
Như vậy, để tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa, đảm bảo xuất khẩu bền vững sang các thị trường khó tính các doanh nghiệp Việt Nam nhất là khu vực FDI đã chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường để tồn tại trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn thách thức sau đại dịch…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn