Mẹ của Leonardo da Vinci (1452-1519) là một nô lệ bị buôn bán sang Ý. Một chuyên gia về nghệ sĩ thời Phục hưng đã tuyên bố như thế.
Trong cuốn tiểu thuyết mới về cuộc đời của Leonardo da Vinci, học giả thời Phục hưng Carlo Vecce viết rằng mẹ của danh họa – bà Caterina – là người gốc Caucasus nhưng bị bán làm nô lệ sang Ý.
Cuốn The Smile of Caterina, the mother of Leonardo (tạm dịch Nụ cười của Caterina, mẹ Leonardo) được lấy cảm hứng từ một khám phá mà Carlo Vecce – giáo sư tại Đại học Naples và là chuyên gia về những họa sĩ bậc thầy – đã thu thập tại Cục Lưu trữ Nhà nước ở Florence vào năm 2019 khi làm việc trong Lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của nhà bác học kiêm danh họa vĩ đại của thế giới.
Ở đó, vị giáo sư tình cờ xem một tài liệu chưa từng được biết đến trước đây mà ông nói là có niên đại vào mùa thu năm 1452, kèm chữ ký của một người đàn ông. Theo Vecce, tài liệu này đã giải phóng một nô lệ tên là Caterina khỏi tình nhân của cô ta là Monna Ginevra. Thời điểm là một vài tháng sau khi Leonardo da Vinci được sinh ra. Cha của Leonardo được cho là đã ký vào tài liệu khiến Vecce nghĩ rằng người phụ nữ này là mẹ của Leonardo.
Hai năm trước đó, cũng theo tài liệu này, Ginevra đã thuê Caterina làm bảo mẫu cho một hiệp sĩ ở Florence. “Tôi phát hiện ra tài liệu về một nô lệ tên là Caterina cách đây 5 năm và nó trở thành nỗi ám ảnh đối với tôi”, giáo sư Vecce nói với CNN. “Sau đó tôi đã tìm thấy các tài liệu hỗ trợ. Cuối cùng, tôi tìm ra bằng chứng cho những giả thuyết có thể xảy ra nhất. Chúng tôi không thể nói điều đó là chắc chắn, chúng tôi không tìm kiếm sự thật tuyệt đối mà chỉ tìm kiếm điều gần nhất với sự thật. Và đây là giả thuyết rõ ràng nhất”.
Tài liệu mô tả nô lệ Caterina được trả tự do này được sinh ra tại khu vực Caucasus ở Trung Á và bị buôn bán sang Ý.
Vecce dự định tiếp tục nghiên cứu của mình ở Moscow (Nga), nơi ông cảm thấy chắc chắn rằng mình có thể tìm thấy nhiều tài liệu hơn nữa về việc buôn bán nô lệ ở Ý và cuộc đời của Caterina. Nhưng đại dịch Covid-19 khiến kế hoạch du lịch của ông dừng lại, và thay vào đó, ông trở nên “ám ảnh” với câu chuyện.
“Tôi càng đi về phía trước, câu chuyện càng có ý nghĩa. Câu chuyện về một nô lệ bị bắt cóc năm 13 tuổi và được giải thoát ở tuổi 25, một năm sau khi Leonardo được sinh ra. Những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời cô ấy bị trải qua như một nô lệ”, Vecce nói.
“Người phụ nữ mất tự do”
Leonardo da Vinci sinh ngày 15.4.1452 tại Anchiano, một ngôi làng gần thị trấn Vinci của vùng Tuscan, cách Florence khoảng 25 dặm về phía tây. Tên khai sinh đầy đủ của ông là Leonardo di ser Piero da Vinci, có nghĩa là “Leonardo, con trai của Piero, đến từ Vinci”.
Người ta cho rằng mẹ Leonardo là một nông dân địa phương tên là Caterina và cha ông là một công chứng viên giàu có, theo tiểu sử chính thức về cuộc đời ông được xuất bản vào dịp kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci vào năm 2019.
Danh họa được sinh ra ngoài giá thú và cả cha mẹ đều kết hôn với người khác sau khi sinh ra ông. Leonardo đã trải qua thời thơ ấu trong khu đất của cha mình, nơi ông được giáo dục và đối xử như một đứa con trai hợp pháp.
Đã có một số gợi ý trong giới học thuật rằng Caterina trên thực tế từng là một nô lệ, nhưng cho đến tận bây giờ chưa từng có bất kỳ bằng chứng hay tài liệu nào chứng minh cho giả thuyết này. Vecce cho biết việc buôn bán nô lệ ở Ý hiếm khi được đề cập đến trong quá khứ, điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong khám phá này.
“Ở châu Âu, chúng tôi hầu như không biết gì về chế độ nô lệ ở Địa Trung Hải. Nó ra đời ở Địa Trung Hải vào một thời điểm phi thường, trong thời kỳ Phục hưng”, ông xác nhận.
Vecce cho biết ông viết cuốn sách về Caterina như một cuốn tiểu thuyết lịch sử vì có quá ít thông tin về toàn bộ cuộc đời của bà nên ông không thể viết như một tài liệu học thuật.
“Tôi chỉ có thể viết được 20 trang nếu cuốn sách thuộc dạng hàn lâm. Vì vậy tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Tôi bị cuốn hút bởi thể loại này. Tôi cảm thấy được giải phóng khi kể lại câu chuyện theo cách này”, vị giáo sư nói thêm.
Giả thuyết phân chia quan điểm các chuyên gia
Paolo Galluzzi, một nhà sử học về công trình khoa học của Leonardo da Vinci và là thành viên của Học viện Khoa học Lincei ở Rome, nói với CNN rằng giả thuyết của Vecce là “cực kỳ hợp lý” vì “dựa trên các tài liệu và không chỉ là tưởng tượng”.
Galluzzi cho biết, mặc dù được viết dưới dạng tiểu thuyết, nhưng câu chuyện lấy cảm hứng từ “nghiên cứu học thuật” và “cho đến nay là phiên bản thuyết phục nhất” về câu chuyện quá khứ của Caterina.
Ông nói: “Chúng tôi không có DNA của Leonardo, mẹ hoặc cha của ông ấy, điều này rõ ràng sẽ cung cấp bằng chứng khoa học duy nhất. Chúng tôi dựa vào các tài liệu và những tài liệu mà Vecce đã dựa vào là khá thuyết phục”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý.
Martin Kemp, một học giả hàng đầu về Leonardo da Vinci và là giáo sư danh dự về lịch sử nghệ thuật tại Đại học Oxford (Anh), tỏ ra thận trọng hơn về giả thuyết của Vecce.
Trong một tuyên bố gửi cho CNN qua email, Kemp mô tả Vecce là một “học giả giỏi”, nhưng nhận định thêm: “Thật ngạc nhiên khi anh ấy công bố các tài liệu về một nhân vật hư cấu”.
Ông cho rằng: “Đã có một số tuyên bố mẹ của Leonardo là nô lệ. Điều này phù hợp với nhu cầu tìm kiếm điều gì đó đặc biệt và kỳ lạ trong lai lịch của Leonardo, đồng thời mối liên hệ với chế độ nô lệ cũng phù hợp với sự quan tâm hiện tại”.
Kemp giải thích Caterina là tên gọi chung của những nô lệ đã cải đạo sang Cơ đốc giáo. Ông chỉ ra rằng thương nhân Francesco del Giocondo – người đặt vẽ bức chân dung của vợ mình sau này là kiệt tác Mona Lisa – từng buôn bán nô lệ. Theo ghi chép lịch sử, ông này đã trao đổi hai bức Caterina trong một năm.
Kemp, người đã xuất bản cuốn Mona Lisa: The People and the Painting (tạm dịch Mona Lisa: Con người và tác phẩm) vào năm 2017 với đồng tác giả Giuseppe Pallanti, đã trình bày một quan điểm khác về Caterina.
“Tôi vẫn ủng hộ giải thuyết ‘người mẹ nông thôn’ của Leonardo là Caterina di Meo – một phụ nữ mồ côi ít nhiều cơ cực ở Vinci”, Kemp nói.
Bất kể sự thật về danh tính của mẹ Leonardo là gì, Vecce tin rằng công việc để đời của bậc danh họa là phản ánh mối quan hệ của ông với mẹ mình.
Vecce cho biết những miêu tả của Leonardo về Madonna (từ Madonna xuất phát từ cổ ngữ Ý ma donna nghĩa là mẹ của tôi. Không có một hình ảnh nghệ thuật Kitô giáo nào phổ biến rộng rãi như hình ảnh của Madonna và con là Chúa Giêsu – PV) luôn dựa trên một người phụ nữ có thật, không phải hình tượng tôn giáo. Ông tin rằng ảnh hưởng của Caterina đã truyền cảm hứng cho thành công lớn trong sự nghiệp sáng tác của Leonardo.
“Ý tưởng về người mẹ vẫn luôn ở trong tim ông ấy suốt cuộc đời. Caterina là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời ông và Leonardo da Vinci yêu nụ cười của Caterina”, Vecce nhìn nhận.
Nguồn: thanhnien.vn