Trong khuôn khổ Tuần lễ thơ thiền VN, sáng 26.3, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã diễn ra buổi tọa đàm về thơ thiền VN trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa T.Ư; thiền sư Lê Mạnh Thát (hòa thượng Trí Siêu); nhà thơ Nguyễn Duy; GS-TS triết học Thái Kim Lan; nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn; nhà giáo Phan Đăng… cùng chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo VN và tỉnh Thừa Thiên-Huế, đông đảo thiện tri thức, học giả, tăng ni phật tử.
Thơ thiền là sáng tạo trí tuệ của các bậc thiền sư, giác ngộ. Theo lịch sử, từ khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo truyền tâm ấn cho đại đệ tử Ca Diếp, truyền đến Tổ sư Đạt Ma (vị tổ thứ 28), sau đó thiền học được truyền sang các nước Đông Á, hình thành nên các dòng thơ thiền. Nhưng thơ thiền VN, soi chiếu lại hành trình di sản văn hóa dân tộc, đã bật lên tinh thần nhập thế, dấn thân và hộ quốc an dân của các thiền sư Vạn Hạnh (Lý Khánh Văn, 938-1018), Dương Không Lộ (1016-1094), Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), Trần Nhân Tông (1258-1308)…
Từ góc nhìn lịch sử, thiền sư Lê Mạnh Thát cho thấy tinh thần hộ quốc an dân của các vị đại sư qua thơ thiền thời Lý – Trần. Như nhà thơ thiền sư Pháp Thuận, người thảo chiếu viết hịch cho vua Lê Đại Hành, đã biết gom hết cái bao la vĩ đại của vạn nước vào trong 4 câu thơ: “Quốc tộ như đằng lạc/Nam thiên lý thái bình/Vô vi cư điện các/Xứ xứ tức đao binh” (Vận nước như mây quấn/Trời Nam mở thái bình/Vô vi cư điện các/Chốn chốn dứt đao binh – bản dịch của Đoàn Thăng, Thơ văn Lý – Trần, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977). Hay với bài Ngọc lang quy, Thái sư Khuông Việt đã mô tả tấm lòng dạt dào khát vọng yêu thương, khát vọng hòa bình…
GS-TS Thái Kim Lan cho rằng điểm nổi bật của thiền học VN, trong đó có thơ thiền, là sự diễn đạt rõ nhất cái nhìn giác ngộ của các thiền sư. Nét khác biệt so với các khuynh hướng thiền học Đông Nam Á của thơ thiền VN là tinh thần nhập thế, dấn thân và đặc biệt là thái độ “cư trần lạc đạo” mà vua Trần Nhân Tông là người đề xướng. Ví dụ trong câu “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Trước sân đêm qua nở một nhành mai – bài Cáo tật thị chúng), nhành mai là sự đốn ngộ bất tử trong cái “đang là” của Mãn Giác thiền sư. Vẫn có một nhành mai bất tử trong sự xoay vần của còn – mất, nở – tàn, đó là niết bàn, trong “cái đương là”, “ngay bây giờ” của sự sống…
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lại mang đến buổi tọa đàm tiếng cười trào lộng trong thơ thiền của các hòa thượng, thiền sư xứ Huế thế kỷ 20, qua đó cũng gợi mở nhiều câu chuyện thiền thú vị. Ví như chuyện thiền sư Viên Thành, tức Công tôn Hoài Tráp (1879-1928), một vị công tôn triều Nguyễn xuất gia lập ra Tra Am (am tranh tre) trên núi Ngũ Phong để ở, nay là chùa Tra Am. Ngài đã để lại nhiều bài thơ mang tiếng cười trào lộng, như bài Tự trào: “Ai thăm ơn lắm biết ai thăm/Ai mời xin lãnh dám mời ai/Nhà đột lá che không đợi lợp/Phên xiêu gió đỡ chẳng lo cài/Phải chăng mặc thế hơi nào nghĩ/Hơn thiệt thây đời cũng chẳng nài/Dễ có công đâu ngồi quẹt mũi/Nay còn chưa kể kể chi mai”.
Hay như thiền sư Phước Hậu (Lê Văn Gia, 1866-1953) từng giữ chức Tăng cang thời Bảo Đại kiêm trụ trì chùa Báo Quốc, đã có bài thơ Viếng đàn tràng quốc tự Linh Mụ, cũng trào lộng thú vị: “Úy chà chà, tháp cao/Trèo lên thử thế nào/Chùa vua thầy chúc tụng/Cửa Phật chúng ra vào/Chuông trống vang lừng núi/Đuốc đèn rạng tợ sao/Của tiền làm thế ấy/Công đức biết là bao!”. Thiền sư đã để lại bài Cảm tác nổi tiếng: “Kinh điển lưu truyền tám vạn tư/Học hành không thiếu cũng không dư/Đến nay tính lại đà quên hết/Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như”.
Các tham luận, ý kiến phát biểu khác tại buổi tọa đàm đã ôn lại lịch sử Phật giáo VN, khẳng định tinh thần, giá trị của thơ thiền trong lịch sử văn hóa Phật giáo chính là nền tảng, nội lực xuyên suốt, đóng góp những giá trị cốt lõi; vừa là định hướng vừa là bệ đỡ tinh thần, song hành cùng dân tộc không chỉ trong dân gian mà cả trong đời sống chính trị, kinh tế.
Nguồn: thanhnien.vn