Wednesday, May 1, 2024

Châu Âu trấn an tình hình ảm đạm của Deutsche Bank

Đức, Ngân hàng Trung ương châu Âu và nhiều chuyên gia khẳng định những biến động liên quan Deutsche Bank không phải như trường hợp Credit Suisse.

Tờ The Wall Street Journal đưa tin cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Đức Deutsche Bank trong ngày 24.3 sụt giảm đến 15% trước khi hồi phục một phần và đóng cửa với mức giảm 8,5%. Diễn biến mới phản ánh lo ngại của các nhà đầu tư sau khủng hoảng tại các ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB-Mỹ) và Credit Suisse (Thụy Sĩ), trong khi nhiều bên khẳng định rằng Deutsche Bank không phải là trường hợp tương tự.

“Không phải Credit Suisse”

Tại Deutsche Bank, các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này, tức bảo hiểm rủi ro vỡ nợ, đã tăng vọt vào ngày 24.3. Nguyên nhân được cho là do các chủ nợ lo ngại, khiến chi phí huy động vốn của Deutsche Bank tăng lên và các ngân hàng đầu tư khác ngần ngại giải quyết vấn đề này. 

Deutsche Bank cố gắng xoa dịu những lo ngại của nhà đầu tư bằng cách đề nghị mua lại một loại trái phiếu thứ cấp riêng biệt, đáo hạn vào năm 2028, với 100% tiền gốc cộng với tiền lãi tích lũy, nhằm cho thấy ngân hàng có tiền dư dả.

Châu Âu trấn an tình hình ảm đạm của Deutsche Bank

Trụ sở của Deutsche Bank tại Frankfurt, Đức

Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ ngày 24.3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay Deutsche Bank đã hiện đại hóa, tổ chức lại mô hình kinh doanh và vẫn là một ngân hàng rất có lãi. “Không có bất cứ lý do gì để lo ngại”, ông khẳng định. 

CNBC dẫn lời các chuyên gia phân tích Stuart Graham và Leona Li tại Công ty Autonomous Research (Anh) nhấn mạnh rằng “Deutsche Bank không phải là Credit Suisse”. Theo đó, mức rủi ro lãi suất trong sổ sách của Deutsche Bank phù hợp với các ngân hàng châu Âu và thấp hơn nhiều so với một số ngân hàng khu vực ở Mỹ. Họ nhấn mạnh rằng Deutsche Bank không giống Credit Suisse, khi đang “có lãi vững chắc” và Autonomous Research dự báo lợi nhuận trên giá trị sổ sách hữu hình của ngân hàng này là 7,1% trong năm 2023 và 8,5% vào năm 2025.

Làn sóng lo ngại

Cổ phiếu của một số ngân hàng khác ở châu Âu cũng giảm vào ngày 24.3 nhưng ít hơn Deutsche Bank. Đó là cổ phiếu của Ngân hàng Commerzbank (Đức) giảm 6,5% trong khi các ngân hàng Barclays (Anh) và BNP Paribas đều giảm 5,8%. Reuters dẫn thông cáo của lãnh đạo 27 nước EU cho biết những ngân hàng tại các nước này đều được vốn hóa tốt và có tính thanh khoản cao, nhờ những bài học rút ra sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) vào năm 2008.

“Lĩnh vực ngân hàng của chúng tôi rất kiên cường, với vốn mạnh và thanh khoản mạnh mẽ”, theo thông cáo. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng khó có khả năng khu vực đồng euro rơi vào một đợt khủng hoảng mới vì lĩnh vực này mạnh hơn rất nhiều so với cách đây một thập niên. Thận trọng hơn, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng các ngân hàng châu Âu vẫn an toàn nhưng kêu gọi các nước thúc đẩy chương trình bảo hiểm tiền gửi chung.

Trong một diễn biến khác, Cục Dự trữ liên bang Mỹ ngày 24.3 đưa tin tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ sụt giảm nhiều nhất trong gần một năm khi những vụ ngân hàng phá sản gây lo ngại. Theo đó, mức tiền gửi giảm 89,4 tỉ USD xuống mức 17.500 tỉ USD trong tuần lễ kết thúc ngày 15.3.

Tuy nhiên, Bloomberg dẫn lời giới phân tích cho rằng xáo trộn ngân hàng là “phép thử dây thần kinh” đối với các doanh nhân và phần thưởng cho những ai không làm gì cả, vì chiến lược tốt nhất cho đến nay là ngồi yên. Chỉ số chứng khoán Mỹ vừa đạt đỉnh tuần thứ 2 liên tiếp, trong khi trái phiếu kho bạc đã giáng một đòn mạnh vào những người bán khống, nên việc bình tĩnh trong biến động có thể giúp thu lợi nhuận khá lớn. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img