30 công dân Indonesia bị một số nghi phạm là người quốc tịch Malaysia đưa sang Việt Nam, bị thu giữ giấy tờ, giam lỏng trong tòa nhà, theo sát bằng camera.
Chỉ chậm 15 phút là nghi phạm cầm đầu bỏ trốn
Theo thông tin điều tra ban đầu, chiều 12.3, Công an TP.HCM nhận được thông báo, 30 công dân Indonesia đến Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM trình báo bị một số nghi phạm đưa sang Việt Nam, giam lỏng để cưỡng ép thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại.
Qua điều tra, công an đã xác định số người này bị giam lỏng tại tòa nhà số 455 Bình Quới (P.28, Q.Bình Thạnh). Thời điểm công an kiểm tra, số nghi phạm quốc tịch Malaysia đã bỏ trốn khỏi địa chỉ này.
Trung tá Trần Thanh Long, Phó phòng An ninh điều tra, Công an TP.HCM kể lại, trong quá trình truy bắt các nghi phạm người Malaysia, cơ quan công an phát hiện nhóm người này đã bỏ đi, không có thông tin gì về những người Malaysia này.
“Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã lần tìm nơi nhóm này thuê, lưu trú. Khi đến nơi, 6 người này đã ra sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và nếu chỉ chậm 15 phút nữa thôi, họ sẽ lên máy bay bỏ trốn về nước”, trung tá Long nói.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, khi phát hiện 30 người Indonesia trốn thoát, các nghi phạm người Malaysia biết công an sẽ kiểm tra tại tòa nhà số 455 Bình Quới nên đã mang nhiều chứng cứ để đốt, tiêu hủy. Các nghi phạm còn đốt tất cả hộ chiếu, giấy tờ tùy thân của 30 người Indonesia.
Phá khóa, leo tường bỏ trốn
Leaw Boon Kiat được xác định là 1 trong 3 bị can cầm đầu đường dây này, thuê 2 tòa nhà số 455 Bình Quới với giá 109 triệu đồng/tháng và nhà số 1244 QL1 (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) với giá 150 triệu đồng/tháng để làm nơi thực hiện hành vi phạm tội. Leaw Boon Kiat chỉ đạo lắp rất nhiều camera theo dõi 24/24, khi nào cũng có người trông coi 2 nhà này.
30 người Indonesia bị các nghi phạm giam lỏng trong căn phòng có cửa sắt, bị theo dõi rất chặt thông qua camera, không cho ra ngoài, người canh giữ khắp nơi trong nhà.
Ngoài ra, nạn nhân còn bị thu giữ hộ chiếu, điện thoại, bị cưỡng ép giả danh công tố viên, cảnh sát, nhân viên ngân hàng… gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy 30 người này đã phá khóa, leo tường bỏ trốn đến Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM trình báo vụ việc.
Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đang củng cố chứng cứ, phối hợp Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á mở rộng điều tra vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với 30 người Indonesia bị “giam lỏng”, lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM cho biết sẽ phối hợp để đưa 30 người Indonesia về nước theo đúng quy định.
Như Thanh Niên đã thông tin, Công an TP.HCM cho biết đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 người quốc tịch Malaysia gồm: Leaw Boon Kiat, Thong Joon Kin, Gan Ban Lee về hành vi tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Leaw Boon Kiat khai, thông qua một công ty du lịch tại Indonesia để quảng cáo, giới thiệu việc làm “dịch vụ khách sạn, nhà hàng” nhằm dụ dỗ 30 công dân Indonesia trên đến Việt Nam.
Sau đó, 30 người này được chia thành 6 nhóm, nhóm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11.2022, nhóm gần nhất đến Việt Nam vào ngày 10.3.2023.
Ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, 30 công dân Indonesia trên đã bị các nghi phạm thu giữ hộ chiếu, điện thoại, đưa về tòa nhà ở địa chỉ 455 Bình Quới và không cho ra ngoài.
Sau đó bị cưỡng ép thực hiện theo “kịch bản” giả danh công tố viên, cảnh sát, nhân viên ngân hàng… gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Nguồn: thanhnien.vn