Thẩm mỹ chuẩn mực, câu chuyện văn hóa là gốc của mọi điểm check-in thành công lâu dài.
Vừa đẹp…
Hồi năm 2017, TS Trần Hậu Yên Thế (lúc đó là giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam – PV) đã có những ngày đáng nhớ khi thực hiện nhóm tác phẩm tại phố bích họa Phùng Hưng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đó là một dự án nhằm kiến tạo không gian nghệ thuật công cộng tại khu phố cổ sát với di sản đô thị đường dẫn lên cầu Long Biên.
“Tôi, TS Nguyễn Thế Sơn (lúc đó là giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam – PV) và các nghệ sĩ khác xác định làm tác phẩm, tạo không gian nghệ thuật công cộng chứ không xác định làm một điểm check-in. Các tác phẩm đều gắn với văn hóa Hà Nội qua các thời kỳ. Trở thành một điểm check-in không phải mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi cũng không ngờ dự án sau đó đã biến phố Phùng Hưng thành một điểm check-in nổi tiếng tại Hà Nội”, TS Thế tâm sự.
Công chúng ngay lập tức đã đến, tương tác rất nhiệt thành với các tác phẩm ở phố bích họa Phùng Hưng. Những tác phẩm này truyền tải thông điệp về một Hà Nội ngàn năm văn hiến có nhiều thay đổi qua các thời kỳ, song luôn giữ truyền thống cũng như tinh hoa văn hóa. Những hình ảnh Hà Nội đã qua cả nửa thế kỷ nay không còn thấy trong đời sống thực nữa, lại được tái hiện ở đây. Tàu điện lanh canh; những ông đồ cho chữ ngày tết; chiếc máy nước thấp tè đầu ngõ; gần đó, chiếc Honda kim vàng giọt lệ từng là một tài sản lớn hồi những năm 1990…
Giờ đây, cũng nhóm nghệ sĩ TS Nguyễn Thế Sơn – TS Trần Hậu Yên Thế (hiện đều đang công tác tại ĐH Quốc gia Hà Nội – PV) lại đang tiếp tục thành công trên địa bàn Hà Nội với một điểm check-in khác; đó là Hội quán Quảng Đông (P.Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm). Được tôn tạo từ 2018 – 2021, dù không phải được tạo ra để chụp ảnh, hội quán có nhiều góc có thể chụp ảnh đẹp nhờ vẻ đẹp kiến trúc, những mảng điêu khắc đẹp có tuổi đời hàng trăm năm cũng như những yếu tố mới được đưa vào. Biển phố Hàng Buồm được dựng tại đây cũng được thiết kế đặc biệt với hình cánh buồm.
… vừa nhiều hoạt động
Trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm còn có những điểm check-in khác cũng được ưa chuộng. Đó là ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19. Đã thay đổi chủ nhiều lần, ngôi nhà vẫn đang được bảo tồn với các yếu tố gốc. Những bộ bàn ghế, giường tủ xưa vẫn được giữ nguyên… Điều này giúp khách tham quan hình dung được đời sống xưa của gia đình Hà Nội và cũng có thể chụp ảnh vì những hiện vật đều đẹp. Bên cạnh đó, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa như tái hiện các buổi thưởng trà, các buổi hát… trong không gian này. Những bức ảnh tại đây vì thế cũng thu hút.
Bản thân phố Phùng Hưng, Hội quán Quảng Đông cũng liên tục có các hoạt động như các chương trình nghệ thuật truyền thống, triển lãm thư pháp, các tác phẩm sân khấu đương đại… “Việc tổ chức nhiều hoạt động giúp các điểm đến này trở nên quen thuộc hơn, thân thiện hơn và lại có nhiều người đến hơn”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) nói.
Về việc Q.Hoàn Kiếm sở hữu quá nhiều điểm check-in nổi tiếng, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho biết quận không có chủ trương làm điểm check-in. Tuy nhiên, với một điểm văn hóa công cộng, quận đều có chủ trương tạo dựng sao cho có chuẩn mực về thẩm mỹ cũng như tạo được điểm độc đáo của phố cổ. “Check-in là từ mới. Còn mình cứ làm đẹp, chuẩn mực thì mọi người sẽ đến thôi. Mỗi địa điểm có một công năng khác nhau, tính chất khác nhau, câu chuyện khác nhau, chúng tôi không mang cái này áp đặt cho cái kia mà làm thành những câu chuyện riêng”, ông Long nói.
Nguồn: thanhnien.vn