Hằng ngày, anh Duy Anh cùng mẹ trực tiếp chiên đậu, pha chế mắm tôm. Quán bún đậu khiến nhiều thực khách thích thú khi được thưởng thức món ngon Hà Nội giữa trung tâm TP.HCM.
Chủ quán mở vì… thèm
Bún đậu mắm tôm là một trong những món ngon không thể bỏ qua với nhiều du khách khi đến Hà Nội. Hơn 4 năm sống ở Hà Nội, tôi nhận ra nhiều quán bún đậu ngon thường nằm ở những con ngõ nhỏ. Những bộ bàn ghế đơn giản, không gian quán nhỏ thôi và thậm chí khách ngồi ngoài vỉa hè nhưng ai nấy cũng xem là chuyện bình thường, có người nhận định… vậy mới đúng kiểu.
Tôi chuyển vào TP.HCM sống được hơn 1 năm nay. Trong một lần đến chung cư cũ trên đường Pasteur (Q.1), tôi thấy rất nhiều quán ăn trong hẻm này. Đập vào mắt là quán bún đậu có tên Ngõ nhỏ, phố nhỏ.
Tiếp tôi là anh Trịnh Duy Anh (35 tuổi, chủ quán, quê Hà Nội). “Đây là một trong những quán bún đậu đầu tiên ở TP.HCM. Quán tôi chuyên về món Bắc ở Hà Nội nên tôi muốn tìm một cái tên đặc trưng. Ở Hà Nội, những quán ngon thường nằm trong ngõ nhỏ nên tôi đặt tên quán cũng vì lý do đó”, anh Duy Anh nói.
Hơn nữa, anh chia sẻ “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó…” là câu hát trong ca khúc nổi tiếng Hà Nội và tôi và khi mở quán, câu hát đó cứ xuất hiện trong đầu nên anh nghĩ ra tên quán này.
Anh Duy Anh vào học ở Nhạc viện TP.HCM từ năm 2009. Anh muốn thay đổi môi trường nên vào TP.HCM vừa học vừa làm. Vì quá thèm món bún đậu mắm tôm nhưng lúc đó không tìm được quán nào đúng vị Bắc nên anh quyết định mở quán, vừa bán vừa ăn. Ngoài công việc kinh doanh, anh là giảng viên thanh nhạc tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch TP.HCM.
“Ở Hà Nội nhà tôi ở phố Hàng Bè, ngay cạnh là ngõ Phất Lộc (Q.Hoàn Kiếm) với quán bún đậu nổi tiếng. Ngày nào tôi cũng “đóng hụi” ở đó, ăn bún đậu mãi mà không chán. Tôi vào đây thèm quá nên mới mở. Tôi thích nấu ăn, mẹ tôi cũng vậy. Mẹ là người nội trợ, 2 mẹ con đặt tâm huyết vào quán”, anh bộc bạch.
Khách nước ngoài không ngại ăn mắm tôm
“Tôi thấy người Sài Gòn rất hào sảng, thích trải nghiệm, vui vẻ tiếp nhận những món ăn mới nên khi mở quán tôi rất tự tin. Sau hơn chục năm, nhiều người ở các nơi muốn mua thương hiệu nhưng tôi không đồng ý. Đến giờ mẹ tôi còn phải đứng bếp thì sao tôi yên tâm truyền công thức lại cho người khác”, anh nói.
Tôi đã nhiều lần ăn bún đậu mắm tôm nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy ở quán có kèm thêm măng luộc. Một phần bún đậu ở quán gồm bún, đậu, thịt chân giò, chả cốm, dưa leo, măng luộc, rau,… Tôi ấn tượng với chén mắm tôm thơm lừng, không ngọt. Đậu chiên vàng, giòn bên ngoài và thơm mềm bên trong.
“Quán vẫn giữ nguyên cách bún đậu ăn kèm với măng luộc, uống trà chanh. Thời bố mẹ tôi ăn bún đậu của các cô bán gánh, ngoài đường, họ bán măng luộc. Tôi ở quán ăn thường xuyên, ăn với khách suốt”, anh bộc bạch.
Việc gắn bó với quán bún đậu là trải nghiệm tuyệt vời. Anh vui vì luôn được khách ủng hộ và xem đó là động lực để tiếp tục gắn bó, mở thêm chi nhánh khác.
“Có những khách quen ăn từ khi quán mới mở đến khi lập gia đình, đưa vợ con đến quán. Có anh Việt kiều Mỹ mấy năm dịch Covid-19 không về nước. Vừa hết dịch, anh về Việt Nam, đến quán, ôm mẹ tôi và tôi vì nhớ chủ quán, nhớ món ăn. Có một cặp đôi người Hà Lan cũng ăn mắm tôm. Trước họ nghĩ mắm tôm khó ăn nhưng khi thử thấy rất ngon, họ còn muốn mua mang về ăn tiếp”, anh chia sẻ.
18 giờ, bà Dung (ở Q.1) ghé vào quán và hỏi anh Duy Anh: “Mẹ con đâu?”. Anh Duy Anh trả lời mẹ mệt nên đã về nghỉ và cho biết đây là khách quen của quán.
“Tôi thường đưa khách, nhân viên đến đây ăn. Bún đậu ở đây giống vị ngoài Bắc, đậu giòn ngon, bún tươi. Tôi vào đây từ năm 2010, ăn thử ở đây vài lần thấy ngon nên mới ăn liên tục. Buổi trưa tôi phải thường đặt trước vì không có bàn, khách đông”, bà Dung nhận xét.
Nguồn: thanhnien.vn