Saturday, November 30, 2024

Đừng để kiểm duyệt thành ‘người phán xử’!



Việc Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới đưa ví dụ sau khi VTV chiếu phim Người phán xử thì “tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều” tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến về dự án luật Điện ảnh sửa đổi đã gây ra những phản ứng trái chiều.

Đừng để kiểm duyệt thành

 

Từ câu chuyện này, nhiều người trong giới làm phim, hoạt động nghệ thuật, văn hóa thêm một lần nữa băn khoăn về quan điểm kiểm duyệt với những bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh có đề tài bạo lực, tình dục mà xưa nay bị gắn mác nhạy cảm.

Nhiều cái khó cho nhà làm phim

Đạo diễn Phan Đăng Di kể trong một buổi chiếu bộ phim  Bi, đừng sợ! tại Canada, một khán giả Việt Nam và cũng là một cô giáo đã tới gặp đạo diễn nói: “Tại sao anh có thể đưa lên phim hình ảnh cô giáo có tình cảm không rõ ràng với học sinh như vậy?”. “Đó không phải lần duy nhất tôi nhận được những câu nói kiểu như ngành giáo viên không được như thế này, hay ngành công an không được như thế kia…”, đạo diễn Phan Đăng Di nói và cho rằng đó là hệ quả của việc trong thời gian dài, nền nghệ thuật của chúng ta bị buộc phải vẽ ra những kiểu nhân vật “văn mẫu” đến mức tạo ra một lớp khán giả mất khả năng tiếp nhận con người như nó vốn là. 
Ở góc độ khác, nếu điện ảnh và truyền hình đang gặp nhiều cái khó trong việc kiểm duyệt thì những sản phẩm chiếu trên mạng lại đang cho thấy sự dễ dãi hơn trong việc quản lý. “Trong khi phim truyền hình khó tìm một câu văng tục nhưng một doanh nhân livestream ra rả chửi trên mạng xã hội hết tháng này qua tháng nọ, rồi không ít phim chiếu mạng tràn ngập cảnh đâm chém máu me, giang hồ thanh trừng lẫn nhau. Dễ thấy, môi trường mạng khó kiểm soát hơn nhiều so với phim chiếu rạp và phim truyền hình. Bởi vậy, nếu có kiểm duyệt thì các nhà quản lý cũng phải tìm cách duyệt một cách công bằng ở những những nền tảng khác nhau”, bà Vũ Thị Bích Liên bày tỏ.

Theo đạo diễn này, bạo lực và dục vọng luôn là hai khía cạnh lớn trong đời sống con người, và vì thế cũng luôn là chủ đề lớn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Bởi vậy theo ông Di, cách chúng ta cần làm là “đối diện chứ không phải né tránh” hai chủ đề này.

Trong khi đó, theo chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, phim về giới tội phạm hoặc phim có cách kể bạo lực, xét ra vẫn là một “món ăn” ưa thích của khán giả khắp thế giới, đồng thời cũng là một trong những hình thái mà người làm phim có thể chọn khi cần phản ánh hiện thực nào đó, dù có thể vẫn là dưới dạng hư cấu. Ông Phước dẫn ra bộ phim Joker (đạo diễn Todd Phillips, Hãng Warner Bros phát hành 2019) dựa trên nguyên tác truyện tranh của DC Comics, vốn dĩ là phim xếp loại C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi, theo MPAA – Hiệp hội Điện ảnh Mỹ). “Góc nhìn cảnh tỉnh xã hội này của phim Joker theo một cách thức trực diện nhất có thể đã góp phần giúp phim này thắng nhiều giải thưởng lớn, tại các liên hoan phim quốc tế; trong đó có giải Sư tử vàng của LHP Venice 2019 và đoạt 2 giải Oscar 2020. Đồng thời, phim đã có tổng doanh thu phòng vé trên toàn cầu hơn 1 tỉ USD. Như thế có thể thấy rõ giới phê bình quốc tế lẫn công chúng thế giới đã cực kỳ quan tâm, đón nhận bộ phim”, ông Phước nói.
Ở góc độ nhà sản xuất, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Mega GS, thẳng thắn cho rằng việc kiểm duyệt phim điện ảnh và truyền hình hiện vẫn còn nhiều cái khó cho nhà làm phim. “Chẳng hạn, phim truyền hình rất ít được xuất hiện những cảnh bạo lực (có phim gần như không), và nếu có hành động phản cảm, hiện tượng vi phạm pháp luật thì phải có công an xuất hiện sau đó. Còn phim điện ảnh, đạo diễn có thực hiện cảnh đánh nhau thì phải né không dám cho lên nhiều hình ảnh có máu me”, bà Liên nêu.
Đừng để kiểm duyệt thành

Cảnh trong phim Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di

Để tiến tới công nghiệp điện ảnh

Ông Nguyễn Minh Tiệp, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), nêu quan điểm: “Với trình độ dân trí ngày càng nâng cao, khán giả hiện nay xem phim để giải trí, thưởng thức chứ không phải để bắt chước ai. Nếu một người đủ năng lực hành vi dân sự, xem phim nhưng không phân biệt được tốt, xấu mà bắt chước theo cái xấu, họ phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, không thể đổ lỗi cho phim ảnh. Phim ảnh không phải là yếu tố để quyết định một con người thành tốt hay xấu được”.
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng bày tỏ: “Tội phạm tăng không phải do bộ phim nào đó mới chiếu xong, mà còn rất nhiều yếu tố khác như an sinh xã hội kém, chính sách không nhất quán, thi hành pháp luật lỏng lẻo, nhiều biến cố trong xã hội, thế giới… Việc kết luận tội phạm tăng sau khi xem phim là quy chụp, chưa đủ cơ sở, chưa hiểu về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội, vì chỉ mới quy nguyên nhân cho một yếu tố”.
Ông Nam cho rằng một bộ phim không thể cứ chỉ nói về cái tốt mà không phản ánh thực trạng xã hội. “Xã hội nào cũng có mảng sáng – mảng tối, việc phản ánh thói xấu, tệ nạn cũng là cách để cảnh tỉnh, miễn không lạm dụng, chứ không thể phim ảnh chỉ toàn mặt tốt, tô hồng, dễ gây ảo tưởng. Quan trọng là thái độ tiếp nhận của chúng ta, bởi dù phản ánh cái xấu nhưng mấu chốt là hành động sai trái, tội phạm… ấy được xử lý thế nào, thông điệp đưa ra là gì, có ý nghĩa ra sao. Chúng ta vẫn có những hình thức giáo dục qua trải nghiệm, nhận diện – nhìn sự kiện để phân tích, biết được đâu là xấu đâu là tốt; bày tỏ thái độ đối với cái xấu, cái tốt và cuối cùng là có hành động chống lại cái xấu, bảo vệ cái tốt”. 
Đạo diễn Phan Đăng Di cũng nhắc đến tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong việc tạo ra những nền điện ảnh có nền tảng và thành tựu vững chắc. Cụ thể ở những quốc gia có nền điện ảnh phát triển, khán giả – ngay từ khi là học sinh phổ thông đã được dạy để phân biệt được giữa phim và đời thực, hiểu vấn đề dục vọng và bạo lực thuộc về bản chất của cuộc sống, cũng như cái ác là thứ không bao giờ triệt tiêu được.
Về việc điện ảnh là một trong những ngành nằm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ông Nguyễn Minh Tiệp thấy mừng khi Chính phủ quan tâm đến việc đó, nhưng ông cho rằng: “Cần phải có cách nhìn thấu đáo hơn, bao quát hơn, chứ không phải giữ cách nhìn thiển cận. Trong đó, luật Điện ảnh (sửa đổi) tới đây khi được thông qua cần tháo được nhiều nút thắt cho nhà làm phim, nhà sản xuất… Có như vậy trong tương lai, điện ảnh và truyền hình mới có thể phát triển”.
Rõ ràng, mong muốn xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, đã có trong nhiều năm qua nhưng để hiện thực hóa, ông Di cho rằng cần phải quyết tâm gỡ các rào cản, phát huy nội lực, mạnh dạn học hỏi đến nơi đến chốn những mô hình phát triển thành công của các nước theo hướng “kiến tạo phục vụ phát triển” như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội đã đặt ra trong phiên họp bàn về dự án luật Điện ảnh sửa đổi mới đây.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img