Ngày xưa, mỗi lần nội luộc nồi củ, tôi thường lựa củ mì (có nơi gọi là củ sắn) mà ăn. Củ mì trong ký ức của tôi không chỉ là thức quà quê, mà là cả một “tuổi thơ dữ dội”.
Dân quê ai cũng khoái củ mì. Củ mì mà mài rồi làm bánh ít thì hết chỗ chê. Nhưng củ mì luộc vẫn là món “quốc dân”.
Thuở đó, đến mùa củ mì, gian bếp của nội lúc nào cũng có một thúng đầy. Cứ chiều rảnh tay, nội ngồi sau hè gọt củ. Củ mì mặc lớp áo nâu sòng. Vẻ ngoài hiền lành, nên trong lòng cũng trắng trong. Vỏ củ mì lột rất “cuốn”. Không như vỏ những củ khác, vỏ củ mì lột y như mình lột vỏ cây. Trẻ con ham vui, tôi lẽo đẽo theo nội để “lột ké”.
Nội chẻ củ thành từng đoạn nhỏ, rồi mang củ mì ra giếng “tắm rửa” sạch sẽ. Trở vào bếp, nội nhóm lửa, bắc nồi đất lên luộc củ. Không biết món luộc có phải là món chế biến dễ nhất và nhàn nhất không. Nhưng củ mì, cách chế biến rất nhàn. Chỉ cần đổ nước vào nồi, cho củ vào, ngồi chờ nước rút.
Khi chín, nồi củ sẽ tự báo động bằng hệ thống mùi thơm. Mùi thơm của củ mì khi chín thơm tợn lắm. Hương thơm ngập gian bếp, xếp lớp khắp trong nhà. Nội giở nồi củ, khói lên nghi ngút. Củ vừa nấu xong nóng hôi hổi. Tôi lấy một miếng củ. Rồi tay này chuyền tay kia. Củ mì không bẻ đôi như củ khoai lang được. Muốn ăn, phải chia đôi theo chiều dọc. Củ mì nóng, tôi muốn tuột lưỡi. Nhưng cái vị bùi bùi làm tôi không thể ngưng được. Củ mì nguyên bản đã ngon, nếu phối hợp cùng muối đậu thì càng thêm mặn mà. Lấy miếng củ mì chấm với muối đậu rồi thưởng thức. Củ bùi bùi, muối đậu thơm, cùng với vị mằn mặn của muối và ngòn ngọt của đường “hợp tác” với nhau. Không ai bảo ai, nhưng nhìn nồi củ hết nhẵn, ai cũng ngầm hiểu bụng mỗi người đang khen ngon hay chê dở.
Độc chiêu là cũng củ mì luộc, nội phi dầu cho thơm. Sau đó, cho củ mì vào đảo vài vòng. Nội cho thêm miếng muối, một chút bột ngọt, dằn lại một miếng đường. Nội biết món đó ngon, hay nội rành trẻ con cũng ham “của lạ” mà làm món đó không biết. Cái món chi không được gọi tên, mà dư vị còn mãi đến bây giờ.
Lớn lên, quê hương ở lại sau lưng. Chốn đô hội tôi dấn bước. Những thức quà quê cũng theo tôi du nhập thị thành. Thật là hạnh phúc. Thế nhưng, vài lần ghé mua củ mì, tôi vui vẻ nói với chị bán hàng: “Món này có gốc ở quê, chị nhỉ!”. Chị ấy ngước lên nhìn tôi, khẽ cười, ánh mắt rưng rưng.
Nguồn: thanhnien.vn