Monday, January 13, 2025

Sẵn sàng cho Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong lần thứ 4

Hội nghị Bộ trưởng đã thống nhất dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của Ủy hội sông Mekong quốc tế, để đệ trình lên các Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao diễn ra vào ngày 5/4.

Ngày 4/4, tại Thủ đô Vientiane, Lào diễn ra Hội nghị Bộ trưởng chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, diễn ra vào ngày mai (5/4). Tham dự Hội nghị có đại diện của các Bộ trưởng của các quốc gia thành viên, các Đối tác đối thoại Trung Quốc và Myanmar, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong lưu vực.

Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã thảo luận và thống nhất về dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị – Tuyên bố Vientiane để trình lên lãnh đạo cấp cao tại Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã đánh giá và ghi nhận những kết quả thực hiện Tuyên bố Siem Reap năm 2018, đồng thời xác định những thách thức và cơ hội để cùng nhau thảo luận phương hướng và những giải pháp cho việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 trong thời gian tới.

“Sông Mekong đã mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững và cả những thách thức. Một số khu vực hạ lưu đã phát triển đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, an ninh nước và bảo vệ các cộng đồng khỏi những bất ổn liên quan đến nước, đặc biệt là lũ lụt và hạn hán. Tuy nhiên một số khu vực hạ lưu cũng trải qua nhiều thay đổi có thể đẫn đến những tác động tiêu cực”, bà Bounkham Vorachith, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn cũng đánh giá rất cao các nỗ lực của Ủy hội trong thực hiện các hoạt động trong thời gian vừa qua; đồng thời cũng nêu yêu cầu cấp bách Ủy hội cần phải đổi mới nhiều hơn nữa trong thời gian tới để đáp ứng các yêu cầu trong quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng, Ủy hội nên tập trung vào các giải pháp thiết thực, mang tính đột phá nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân có cuộc sống dựa vào tài nguyên nước sông Mekong.

“Cần hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác gây ra; đảm bảo các hoạt động sử dụng nước trong lưu vực cả ở dòng chính và các dòng nhánh. Cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy tự nhiên và mọi sự phát triển cần hướng tới sự ổn định, an toàn, an ninh của người dân ven sông cho dù ở quốc gia nào”, ông Thành nêu rõ.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đã yêu cầu Ủy hội cần tập trung đổi mới về phương thức hoạt động để trở thành một trung tâm tri thức vùng, cung cấp kịp thời các thông tin, số liệu và kiến thức về lưu vực, các dịch vụ tư vấn cho các bên liên quan và cho các cơ chế hợp tác tiểu vùng đang hoạt động một các tích cực, hiệu quả, xây dựng một hệ thống chia sẻ số liệu vận hành các công trình sử dụng nước theo thời gian thực, tăng cường chất lượng dự báo và cảnh báo lũ và hạn.

Các quốc gia thành viên Ủy hội cũng đánh giá rất cao các nỗ lực của Ủy hội trong thực hiện các hoạt động trong thời gian vừa qua. Đồng thời cũng nêu yêu cầu cấp bách Ủy hội cần phải đổi mới nhiều hơn nữa trong thời gian tới, để đáp ứng các yêu cầu trong quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực. Các nội dung đổi mới mà các quốc thành viên Ủy hội nhấn mạnh đó là: Đổi mới trong phương thức hợp tác xuyên biên giới, trao đổi chia sẻ thông tin số liệu, thực hiện tham vấn, thực hiện quan trắc sông Mekong, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu, kết nối với các cơ sở dữ liệu toàn cầu, ứng dụng công nghệ mới.

Tại Hội nghị, đại diện đoàn đại biểu Trung Quốc, Ông Yousheng Ke, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại ESCAP cũng đã đề cao sự hợp tác của Ủy hội và Hợp tác Mekong – Lan Thương trong các nghiên cứu chung về chế độ dòng chảy sông Mekong, chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, và nhấn mạnh cam kết tiếp tục cam kết hợp tác với Ủy hội trong tương lai.

Tham dự Hội nghị, các Đối tác phát triển của Ủy hội đánh giá cao những kết quả đạt được của Ủy hội trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thúc đẩy thực hiện Hiệp định Mekong 1995. Các thủ tục và hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận và hướng dẫn thiết kế cho các công trình thủy điện dòng chính. Áp dụng hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới, cho các dự án trên cả dòng chính và dòng nhánh có khả năng có tác động xuyên biên giới.

Các Đối tác phát triển đề nghị Ủy hội tiếp tục nỗ lực trong thúc đẩy phát triển và quản lý lưu vực có sự điều phối thống nhất, đổi mới trong cách tiếp cận để chủ động hơn trong thích ứng với các thách thức, tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Các bên liên quan, các tổ chức nghiên cứu, khối tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, và tăng cường bình đẳng giới trong thực hiện các hoạt động của Ủy hội. Các Đối tác phát triển cam kết tiếp tục đồng hành với Ủy hội, để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược của Ủy hội, hướng tới mục tiêu Ủy hội có thể tự chủ thực hiện các hoạt động chủ chốt vào năm 2030.

Hội nghị Bộ trưởng đã thống nhất dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của Ủy hội sông Mekong quốc tế, để đệ trình lên các Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao diễn ra vào ngày 5/4./.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img