Ngày 15.9, chúng tôi đến căn nhà trọ trên đường 375 thuộc tổ 9, ấp Bàu Tre 2, xã Tân An Hội (H.Củ Chi, TP.HCM), nơi có hơn 70 nhân khẩu đang tạm trú. Trước đó, PV Thanh Niên nhận được đơn cầu cứu về việc người thuê ở 12 phòng trọ có nguy cơ phải dọn ra đường vì không thể trả tiền thuê trọ.
Có nguy cơ ra đường ở vì… không còn tiền đóng trọ
Từ bến xe An Sương chạy dọc theo Quốc lộ 13 rồi rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Hoài, chúng tôi được hướng dẫn rẽ thêm nhiều con hẻm mới tới đường 375, nơi khu nhà trọ trên. Đã xây dựng lâu năm nên khu trọ cũng có phần lụp xụp, những căn phòng trọ cũng có diện tích chỉ khoảng 20 m2 (tính cả gác). Tại đây, chúng tôi nghe được nhiều tình cảnh éo le vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Người dân sống trong khu trọ thuộc ấp Bàu Tre 2, xã Tân An Hội (H.Củ Chi) có nguy cơ phải ra đường ở vì không đủ tiền đóng trọ
|
Hơn 11 năm sống tại nhà trọ trên đường 375 thuộc tổ 9, ấp Bàu Tre 2, xã Tân An Hội (H.Củ Chi, TP.HCM), bà Châu Thị Kim Ph. (41 tuổi, quê Trà Vinh) cùng gia đình đang có nguy cơ… dọn ra đường ở vì không có tiền đóng trọ.
Bà Ph.cho biết từ chục năm trước đã lên TP.HCM mưu sinh với nhiều nghề, đến nay bà đang làm công nhân tại một công ty thực phẩm trên địa bàn H.Củ Chi. Trước đây, mỗi tháng thu nhập của bà Ph. vào khoảng 7 triệu, khoản tiền này đủ để chị chi trả phí sinh hoạt và chăm lo cho con cái.
Rồi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại TP.HCM, bà cũng như nhiều công nhân khác phải ngừng việc… không lương. Các khoản sinh hoạt, chi phí điện nước trong suốt 3 tháng khiến tất cả tiền chắt chiu trước đó đều không còn.
Trong thời gian này, do thiếu lương thực nhưng không biết kêu ai, bà Ph. cùng một số người dân trong khu trọ đã dùng mạng xã hội livestream để nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ. Ngay sau đó, nhiều nhà hảo tâm biết thông tin đã đến hỗ trợ.
Gia đình ông Henl đã thất nghiệp từ nhiều tháng nay và không thể trả tiền phòng trọ trong tháng này
|
Đến cuối tháng 8, do đã không còn tiền đóng trọ, bà Ph. cùng nhiều phòng đã liên hệ chủ trọ xin “khất nợ tiền phòng trọ” để khi có tiền sẽ đóng nhưng không được đồng ý. Bà Ph. sụt sùi nói: “Tiền trọ đến 20 tháng này là trễ mất một tháng. Tôi không xin miễn tiền trọ nhưng chỉ xin nợ để hết dịch đi làm rồi trả lại. Vì giờ dịch đi đâu cũng không ai nhận”.
Tiền trọ mỗi tháng bà Ph. cũng như mọi người đóng giao động từ 600.000 đồng – 1,2 triệu đồng, cộng thêm tiền điện nước mỗi tháng khoảng 1,5 triệu. Nếu không xảy ra dịch Covid-19 thì khoản tiền trọ này sẽ không nhiều, tuy nhiên bây giờ lại là gánh nặng của từng người lao động nghèo.
“Giờ đuổi không biết đi đâu !”
Qua tìm hiểu của chúng tôi, khu trọ chủ yếu là người dân từ tỉnh Trà Vinh lên TP.HCM lao động với công việc phụ hồ, bán vé số, công nhân, nhặt ve chai… Trong tháng 9 này, nếu không trả được tiền thuê trọ thì 12 phòng với 28 nhân khẩu, trong đó có 6 cháu nhỏ (3 cháu đang đi học) sẽ phải dọn ra đường. Thậm chí những ngày trước đó chủ khu trọ đã đến nhắc nhở, hối thúc người thuê nhà phải rời phòng trọ giữa trời mưa.
“Chủ đã đuổi chúng tôi lần thứ 3 rồi, có hôm trời mưa cũng xuống hối dọn đồ ra khỏi phòng. Gia đình tôi cũng muốn về quê lắm chứ, nhưng không thể về, giờ đuổi không biết ở đâu”, bà Ph. nói thêm.
Dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề đến người lao động nghèo tại TP.HCM
|
Gia đình ông Trần Henl (50 tuổi, cùng quê Trà Vinh) cũng gặp hoàn cảnh tương tự khi thất nghiệp đã 3 tháng nay, ông cũng không thể xoay sở tiền để đóng tiền nhà trọ. Căn nhà trọ số 14 của ông Henl chỉ nhỏ gọn khoảng 20 m2 là nơi cư ngụ của 6 người.
Thường ngày, ông Henl làm nghề thợ mộc nhưng không đều đặn vì mắc bệnh suyễn. Ngoài ông Henl, hai con trai của ông cũng là lao động gồng gánh gia đình, tuy nhiên cả 3 đến nay đều… thất nghiệp. Hai cháu nội của ông Henl năm nay chỉ 3 – 4 tuổi nên nhu cầu cần sữa uống cũng khiến ông đau đáu trong suốt thời gian giãn cách.
Ông Henl cho biết, hai đứa cháu nhỏ đều mồ côi mẹ và sống với ông bà từ lúc bé. Ở căn nhà trọ, 4 người lớn ăn gì cũng được nhưng 2 đứa cháu thì không thể. “Họ đuổi thì phải đi, nhưng những đứa nhỏ này thì tội nó quá. Gia đình tôi cũng muốn về quê lắm rồi nhưng không được”, ông Henl nói.
‘Đây là những ngày tháng cơ cực nhất từ khi lên TP.HCM…’
Cách phòng ông Henl vài căn là phòng của chị Sơn Thị H. (30 tuổi, quê Trà Vinh), người phụ nữ này cũng gặp tình cảnh éo le khi không về được quê nhưng không còn tiền đóng trọ nếu ở lại. Trước kia, chị làm cho công ty may mặc trên địa bàn H.Củ Chi với mức lương 6 – 7 triệu mà theo chị, ngày thường có thể gồng gánh được cho 8 miệng ăn (2 phòng).
Nước mắt người phụ nữ khi không đủ tiền chi trả tiền thuê trọ vì ảnh hưởng dịch Covid-19
|
Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, chị thất nghiệp, đồng lương không còn nên… mọi thứ bế tắc. Tâm sự với chúng tôi, chị H. cho biết khoảng thời gian giữa tháng 8 gia đình chị vẫn cầm cự được với mức lương hỗ trợ 50% từ công ty. Nhưng khi không còn được hỗ trợ thì mọi khoản phí trong thời gian này càng trở thành gánh nặng đối với chị.
Cực chẳng đã, chị xin nợ tiền chủ trọ và hứa cho đến khi hết dịch sẽ trả lại chứ không xin miễn giảm những chủ trọ không chấp nhận. Chị H. khóc nức nở: “Dịch không chuyển được nên mới xin ở lại thôi. Tôi có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng tôi còn lo cho đứa con đi học nữa nên mới gắng xin ở lại. Chúng tôi cũng đi xin chỗ khác nhưng họ không nhận, họ nói đợi hết dịch mới dám cho thuê”.
Ngồi dọn sẵn đồ đạc trong nhà vì theo lịch hẹn, chiều nay (15.9) chủ nhà sẽ buộc dọn, chị H. mắt vẫn đỏ hoe vì không biết sẽ ở đâu trong thời gian dịch hoành hành. Lau nước mắt, chị H. thủ thỉ rằng đây là những ngày tháng cơ cực nhất từ khi chị lên TP.HCM.
Chiều 15.9, trao đổi với Báo Thanh Niên, sau khi nhận được phản ánh, UBND xã Tân An Hội (H.Củ Chi, TP.HCM) đã cử Ủy ban MTTQ xã Tân An Hội xuống khu trọ để có hướng giải quyết cụ thể. Đồng thời chính quyền địa phương cũng đang làm việc với chủ trọ để có hướng hỗ trợ 12 phòng trọ tại đây được ở lại cho đến khi hết giãn cách.
|