L’Oréal đang xúc tiến mua thương hiệu Aesop của Úc trong một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD, đánh dấu một thương vụ mua lại thương hiệu lớn nhất trong lịch sử của gã khổng lồ làm đẹp Pháp.
Động thái này được công ty mẹ của Aesop, công ty Brazil Natura & Co, công bố đầu tuần. Brazil Natura & Co cũng là công ty mẹ của các thương hiệu The Body Shop và Avon.
Thoả thuận sẽ đưa Aesop, được biết đến với các sản phẩm chăm sóc cơ thể và da cao cấp, vào trong cùng một hệ sinh thái với các thương hiệu như Garnier và Maybelline.
Đây sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất của L’Oréal từng được ghi nhận. Kỉ lục trước đây thuộc về thương vụ mua lại YSL Beauté trị giá 1,7 tỷ USD vào năm 2008, theo dữ liệu từ Dealogic.
Natura & Co tự nhận mình là công ty mỹ phẩm và làm đẹp lớn nhất Brazil, hoạt động tại hơn 100 quốc gia. Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Giám đốc điều hành của công ty Fabio Barbosa cho biết việc thoái vốn khỏi Aesop sẽ giúp công ty giảm nợ và tập trung vào các con đường tăng trưởng khác.
Ông nói: “Với cơ cấu tài chính được củng cố và bảng cân đối kế toán giảm nợ cùng với việc theo dõi tài chính nghiêm ngặt, Natura & Co sẽ có thể tăng cường tập trung vào các ưu tiên chiến lược của mình, đặc biệt là kế hoạch đầu tư của chúng tôi ở Mỹ Latinh”.
Aesop được thành lập tại Melbourne, Úc vào năm 1987. Natura đã mua 65% cổ phần của công ty vào năm 2012 và chính thức mua lại vào năm 2016.
Kể từ đó, doanh số bán hàng của Aesop đã tăng vọt gần 20 lần – từ 28 triệu USD năm 2012 lên 537 triệu USD vào năm 2022, theo Natura. Trong năm qua, Aesop đã đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số.
Công ty bán các sản phẩm của mình tại 29 thị trường. Đặc biệt, thương hiệu này đang hy vọng sẽ tiến xa hơn vào Trung Quốc đại lục, nơi họ đã mở các cửa hàng truyền thống đầu tiên vào năm ngoái.
Giám đốc điều hành của L’Oréal, Nicolas Hieronimus, cho biết: “Aesop hiện diện tại tất cả các xu hướng hiện nay. L’Oréal sẽ góp phần giải phóng tiềm năng tăng trưởng to lớn của Aesop, đặc biệt là ở Trung Quốc và kênh bán lẻ du lịch.”
Thương vụ dự kiến sẽ chốt trong quý 3 năm nay.
NHƯ VẬY LÀ
Các gã khổng lồ mỹ phẩm đang thâu tóm các thương hiệu làm đẹp cao cấp nhỏ hơn để thu hút trái tim (và ví tiền) của người tiêu dùng trẻ tuổi. Năm 2019, Shiseido đã trả 845 triệu USD để mua thương hiệu chăm sóc da đình đám Drunk Elephant. Năm ngoái, Unilever đã chi 500 triệu USD cho thương hiệu chăm sóc da Nhật Bản Tatcha. Cả hai thương hiệu đều là mặt hàng chủ lực trên kệ Sephora. Gen Z sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm làm đẹp cao cấp và dự kiến sẽ chiếm 70% số người mua sắm xa xỉ vào năm 2025.
Các nhà phân tích dự đoán sẽ còn có nhiều vụ mua lại sắc đẹp hơn ở phía trước.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn