Năm nay, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã đón mùa hoa anh đào sớm đến 10 ngày. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến rõ rệt, Nhật Bản có thể sẽ đối mặt một mùa hè oi ả, tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, lở đất.
Tại thành phố Osaka, nhiệt độ đã tăng lên mức 25 độ C vào ngày 22/3 – mức cao kỷ lục cho thời điểm này trong năm. Trong khi đó, tỉnh Tây Nam đất nước – Tottori cũng ghi nhận mức nhiệt độ 25,8 độ C cùng ngày. Theo chuyên gia khí hậu Maximiliano Herrera, đây là mức nhiệt độ cao nhất đối với Tottori trong 140 năm. Nhiệt độ trung bình tháng 3 của tỉnh này chỉ vào khoảng 12 độ C.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến một cách rõ rệt, Nhật Bản có thể sẽ đối mặt với một mùa hè oi ả, trong đó tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt và lở đất. Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ người dân khỏi các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết cắt giảm khí thải, song trong ngắn hạn, tình trạng thời tiết ngày càng khắc nghiệt vẫn là một rủi ro nghiêm trọng.
Ông Yasuaki Hijioka – Phó Giám đốc Trung tâm thích ứng biến đổi khí hậu tại Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia ở Tsukuba, phía Đông Bắc Tokyo nhấn mạnh các nguy cơ liên quan biến đổi khí hậu đang bộc lộ rõ rệt tại nước này, trong đó thời tiết nắng nóng cực đoan ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Nhật Bản vốn là quốc gia dễ bị tác động bởi các thiên tai như động đất, sóng thần và bão, do đó cơ sở hạ tầng được xây dựng vững chắc để giữ an toàn. Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng này có thể chỉ tương thích với điều kiện khí hậu trong quá khứ và không còn phù hợp với hiện nay.
Giám đốc Viện Môi trường và Xã hội tại Brown Kim Cobb cho rằng cần xem xét liệu hệ thống năng lượng và chăm sóc sức khỏe có đủ để đáp ứng các nhu cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở nên trầm trọng, với số trường hợp bị sốc nhiệt tăng kỷ lục.
Năm ngoái, Nhật Bản ghi nhận hơn 200 mức nhiệt kỷ lục ở khắp các thành phố trên cả nước, với trên 71.000 người phải nhập viện do sốc nhiệt trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9.
Bên cạnh đó, thời tiết ấm lên đồng nghĩa độ ẩm gia tăng, kéo theo các nguy cơ lũ lụt và lở đất. Vào năm 2019, bão Hagibis đổ bộ khiến nhiều đoàn tàu cao tốc bị ngập một phần, các con đập cũng không ngăn nổi lượng nước mưa lớn bất thường, trong khi nhà cửa và các tuyến cao tốc bị sạt lở đất.
Trước tình hình đó, Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp, như chỉ định một số cơ sở trang bị điều hòa không khí làm nơi trú ẩn khi nắng nóng trở nên cực đoan, cắt giảm lượng khí thải, khởi động lại nhà máy điện hạt nhân được đảm bảo an toàn,… Bên cạnh đó, chính phủ có kế hoạch tăng sử dụng năng lượng tái tạo để đạt mức 33% nguồn điện năng năm 2030 và hướng đến giảm thiểu sử dụng than đá vào những năm 2040.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cho rằng khu vực thủ đô Tokyo của nước này dự kiến sẽ duy trì cơ chế cung-cầu điện tiết kiệm vào mùa Hè tới.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ công suất điện dự phòng ở khu vực thủ đô có thể giảm xuống mức thấp nhất 3% để duy trì nguồn cung ổn định nếu khu vực do Công ty Điện lực Tokyo cung cấp này trải qua đợt nắng nóng nhất trong vòng một thập kỷ vào tháng 7.
Ngay cả khi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này kéo dài, các công ty điện lực ở các địa điểm khác cũng được dự báo sẽ có tỷ lệ công suất điện dự phòng ở mức hơn 3%.
Dựa trên những kế hoạch về nguồn cung của các công ty điện lực, ước tính tỷ lệ công suất điện dự phòng tại khu vực Tokyo sẽ được cải thiện, tăng lên mức 3,9% vào tháng 8 và lên mức 4,6% vào tháng 1/2024 đối với khu vực này cũng như các vùng ở miền Bắc Nhật Bản, trong đó có Hokkaido.
Trong bối cảnh lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng điện, tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến nghị người dân và doanh nghiệp nước này tiết kiệm điện.
Khuyến nghị này được đưa ra nhằm tránh nguy cơ thiếu điện lần đầu tiên kể từ năm tài chính 2015, thời điểm tất cả các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã đóng cửa sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa động đất – sóng thần hồi năm 2011.
Khuyến nghị tương tự cũng đã được đưa ra trong mùa đông vừa qua cho đến ngày 31/3, trong đó chính phủ kêu gọi người dân giảm nhiệt độ của điều hòa và tắt đèn khi không sử dụng.
Theo truyền thông địa phương, để đảm bảo nguồn cung ổn định, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh nỗ lực tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân vốn đang phải đối mặt những tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt được áp đặt sau sự cố hạt nhân năm 2011.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Nhật Bản có thể nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu hơn thế, thông qua thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo, như phong điện và điện Mặt Trời.
Nguồn: moitruongvadothi.vn