Thủ tướng yêu cầu các cơ quan có phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn, xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản.
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tổng kết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của cả hai ngành thủy sản và lâm sản ghi nhận nhiều tín hiệu phấn khởi, lạc quan. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt trên 17 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản lần đầu tiên đạt mốc 11 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023, hai ngành này đang đối mặt hàng loạt khó khăn, thách thức. Điều này càng minh chứng cho tính bất định, biến động, phức tạp, khó lường của thị trường, của tình hình thế giới.
Các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý 1/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Hoa Kỳ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%. Số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.
Chia sẻ khó khăn với hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT đã có những buổi làm việc để nhìn nhận, thảo luận, tìm cách tháo gỡ, giảm thiểu những tác động tiêu cực vì đơn hàng sụt giảm, công suất hoạt động giới hạn, công nhân phải giảm ca, nghỉ việc…
“Doanh nghiệp phản ứng với tín hiệu thị trường như con tôm, con cá phản ứng với nước mặn, nước ngọt. Sau hội nghị hôm nay, cũng khó lòng tháo gỡ ngay lập tức và toàn diện những vấn đề đang tồn tại mà hai ngành hàng đang đối mặt. Nhưng quan trọng hơn cả, hội nghị thể hiện tinh thần lắng nghe, chia sẻ, đồng hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cùng với đó là động lực vượt khó, tinh thần trách nhiệm, quyết không bỏ cuộc của cộng đồng doanh nghiệp lâm sản, thủy sản”, Bộ trưởng khẳng định.
Trước thực tế này của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu.
Phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn, xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản.
Đặc biệt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn Việt Nam về mức thải chế biến thủy sản và quy chế mức thải ao nuôi thủy sản.
“Các doanh nghiệp trong ngành gỗ và thủy sản cần phát huy truyền thống, tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó có cách làm mới, tự cứu mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp”, Thủ tướng nêu rõ.
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có chính sách phát triển thủy sản, quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.
Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn để các bộ, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 57/2018-NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ lâm sản tập trung, phát triển các dịch vụ logistics, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào khâu chọn, tạo giống, trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, khâu chọn, tạo giống thủy sản; rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến gỗ, lâm sản để tổ chức thực hiện đáp ứng được yêu cầu của quốc gia, phù hợp với quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách đất đai phù hợp tình hình, thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp xu thế chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn; xem xét, nghiên cứu sửa đổi Quy chuẩn nước thải phù hợp với ngành thủy sản.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – bao gồm thủy sản.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn