Do chưa có khung pháp lý trong khi đó không ít cá nhân, hội nhóm nổi tiếng kêu gọi từ thiện còn hạn chế về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng xã hội và nhiệt huyết… nên dễ dẫn đến sai sót gây hệ lụy, tổn thương các bên liên quan.
Thiếu giám sát là kẽ hở để trục lợi
Theo bà Đào Thị Minh Lệ, thuộc Tổ chức tình nguyện Y tâm, các vụ việc từ thiện gần đây liên quan vấn đề sao kê, minh bạch… “là hệ quả của việc làm từ thiện mà thiếu khung pháp lý rõ ràng”.
Bà Lệ chỉ ra rằng hiện không có một quy định cụ thể đối với các cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi đóng góp, phương tiện cũng như cam kết thực hiện. Các hoạt động gây quỹ đều thông qua mạng xã hội và ủng hộ chủ yếu dựa vào niềm tin cá nhân chứ không có một sự cam kết, trách nhiệm ràng buộc nào bằng văn bản hay quy định pháp luật.
Phải có bổn phận với đồng tiền ủy thác
Theo luật sư Lương Văn Trung (Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC), luật pháp VN không có quy định rõ ràng và bài bản về sự tín thác trong từ thiện, cứu trợ như ở nhiều nước khác trên thế giới, như hệ thống pháp luật của Anh, Mỹ, Úc… nên mới phát sinh nhiều tranh cãi trong chuyện làm từ thiện. Luật sư Trung cho hay tinh thần chung của quỹ từ thiện tại các nước Anh, Mỹ phải tuân thủ nhiều chuẩn mực. Đồng tiền đưa cho cá nhân kêu gọi từ thiện là đồng tiền tín thác, và người kêu gọi là nhận tín thác, đồng thời khi sử dụng tiền, người nhận tín thác phải sử dụng đúng mục đích của thỏa thuận ban đầu. Tức khi kêu gọi, người nhận tín thác phải đưa ra mục đích và cách thức sử dụng (trực tiếp đi làm từ thiện, hoặc thông qua một cá nhân, hoặc tổ chức, quỹ từ thiện của chính phủ…). Còn người góp tiền khi đã chuyển tiền, đương nhiên đồng ý với thỏa thuận đó. Luật sư Trung dẫn chứng một án lệ về làm từ thiện ở Anh liên quan đến một vụ tai nạn xe buýt. Do nguồn tiền kêu gọi của vụ tai nạn nhiều, không sử dụng hết, người nhận tiền đã chuyển số tiền còn lại làm từ thiện cho một vụ việc khác. Khi người góp tiền biết được đã phản đối và yêu cầu tòa án xử lý. Tòa án tại Anh tuyên người nhận tín thác sử dụng tiền ngoài mục đích kêu gọi ban đầu nên đề nghị người nhận tín thác phải trả tiền lại cho quỹ. Hơn nữa pháp luật Anh, Mỹ còn cho phép người tín thác sử dụng nhiều công cụ để truy đòi đến cùng tài sản đó.
|
Bà Lệ cho rằng làm từ thiện nhìn có vẻ dễ, nhưng thực sự không dễ chút nào vì liên quan rất nhiều phía: nhà tài trợ, đối tượng thụ hưởng, lãnh đạo địa phương… Nên người thực hiện công tác từ thiện đòi hỏi phải có chuyên môn, kiến thức, kỹ năng xã hội và nhiệt huyết… Nếu chỉ đứng ra kêu gọi, trao tặng ồ ạt theo cảm tính thì rất dễ để lại những sai lầm, gây nhiều hệ lụy, tổn thương các bên liên quan.
“Minh bạch luôn luôn là yếu tố hàng đầu của người làm công tác xã hội, từ thiện. Mặc dù có nhiều nhà tài trợ vì niềm tin mà ủng hộ, không cần sao kê, minh bạch nhưng người làm từ thiện phải có trách nhiệm giải trình các khoản thu – chi. Trước là họ có thể bảo vệ được chính bản thân mình không bị vướng vào thị phi hay cám dỗ, sau là đảm bảo được nguồn tiền, hiện vật dùng đúng mục đích như lời kêu gọi ban đầu. Đặc biệt, nếu minh bạch rõ ràng thì uy tín của người kêu gọi cũng được tăng lên, công tác từ thiện sẽ mang tính lâu dài bền vững hơn”, bà Lệ chia sẻ.
Bà cũng nói thêm: “Từ thiện sẽ trọn vẹn ý nghĩa nếu người cho – tặng cùng giám sát mức độ hiệu quả của việc ủng hộ đó. Tôi quan sát thấy nhiều nhà tài trợ chỉ dừng lại ở bước ủng hộ thôi, còn lại phó thác hết cho cá nhân, tổ chức họ ủng hộ, không quan tâm kết quả của việc ủng hộ đó đã được vận hành như thế nào và nó được trao tặng hay thay đổi cuộc sống của đối tượng thụ hưởng thế nào. Đây cũng là kẽ hở để nhiều cá nhân làm từ thiện trục lợi vì đã thiếu đi sự giám sát theo dõi”.
Cần có hành lang pháp lý
Vậy đối với những cá nhân, hội nhóm bằng sự nổi tiếng của mình kêu gọi từ thiện thì vận động như thế nào để bảo vệ bản thân họ, đồng thời số tiền nhà hảo tâm không bị chiếm đoạt, đến tay người dân kịp thời?
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng việc cá nhân vận động từ thiện, tiếp nhận, phân phối là quan hệ ủy quyền, nghĩa là người tiếp nhận phải có nghĩa vụ trao toàn bộ số tiền đã nhận cho người có hoàn cảnh khó khăn theo như mục đích trong lời kêu gọi, vận động. Vì vậy, nếu kêu gọi, tiếp nhận ủng hộ mà không có hành lang pháp lý, giám sát sẽ khiến cá nhân hoặc nghệ sĩ bị chỉ trích.
“Khi bị nghi ngờ, dù sai hay đúng chưa bàn, nhưng người kêu gọi từ thiện sẽ bị tổn thương và sẽ tác động đến cá nhân khác, tạo “hiệu ứng” ái ngại vận động từ thiện. Như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ”, luật sư Quân đánh giá.
Theo luật sư Quân, sau một vài vụ việc lùm xùm liên quan nghệ sĩ kêu gọi từ thiện thời gian qua, thì có nghệ sĩ tiếp nhận tiền từ thiện thông qua tài khoản của mình, nhưng cũng có nghệ sĩ lập tài khoản riêng, chỉ dành cho đợt kêu gọi.
Nếu để chung tiền từ thiện với tiền cá nhân, thì sẽ nhập nhằng các khoản chi và không thể tránh khỏi nghi ngờ thiếu minh bạch. Nhưng như trường hợp của Trấn Thành, dù lập tài khoản riêng cho việc từ thiện, nhưng sau khi dừng nhận tiền từ thiện, Trấn Thành chuyển tiền cho một người khác thực hiện nghĩa vụ còn lại là chuyển tiền đến người dân khó khăn. Đồng thời, vẫn còn tiền trong tài khoản từ năm 2020 đến tháng 8.2021, khi mọi việc lùm xùm Trấn Thành kiểm tra tài khoản và vẫn còn một khoản tiền, sau đó Trấn Thành chuyển số tiền còn lại cho MTTQ VN.
“Có thể thấy, việc kêu gọi từ thiện rất ý nghĩa, nhưng cách làm từ thiện tự phát của người nổi tiếng, từ việc chậm chuyển đến người cần, đến không quan tâm tiền từ thiện còn hay không, tiền đến đúng người cần chưa, cho thấy nghệ sĩ có tâm nhưng chưa nghiêm túc trong hoạt động từ thiện. Vì vậy, cần có hành lang pháp lý để điều chỉnh”, luật sư Quân nhấn mạnh.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam – chuyên gia về hoạt động phi lợi nhuận, cho biết pháp luật hiện cũng không có quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức tự phát làm thiện nguyện, gây quỹ từ thiện. Nếu một cá nhân gây quỹ từ thiện, thiếu minh bạch, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân hoàn toàn có thể tố cáo và nếu có xử thì dựa trên pháp luật hình sự… Cơ bản đó cũng là quy định sòng phẳng, nhưng thực tế, không ai đóng 100.000 hay 200.000 đồng từ thiện để theo đuổi một vụ kiện cáo, chưa kể phải tính đến phí luật sư để theo vụ kiện này.
Câu chuyện gần đây được tranh cãi vẫn là làm sao để không nhập nhằng chuyện “tiền cá nhân” và “tiền gây quỹ” hay người dân thắc mắc nếu có chi phí phát sinh cá nhân khi đi làm từ thiện như tiền đi lại, ăn ở sẽ do cá nhân tự chi hay có thể lấy từ nguồn tiền từ thiện kêu gọi, ông Sơn cho biết: kinh nghiệm vận hành quỹ cho thấy, chi phí này là 5% trên tổng thu của quỹ, được quy định tại điều 37, Nghị định 93/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Với những hội nhóm/cá nhân làm chuyên nghiệp, họ sẽ có một nguồn huy động riêng, có thể là từ nhóm khác, gia đình… để làm chi phí vận hành mà không trích tiền gây quỹ từ cộng đồng để tránh sự nhập nhằng không đáng có.