Nhưng làm từ thiện sao cho vừa có tâm vừa có tầm, không bị tai tiếng không phải chuyện dễ. Cần có hàng rào pháp lý để câu chuyện làm từ thiện luôn đi đúng với ý nghĩa của nó.
Theo Nghị định (NĐ) 64/2008 của Chính phủ, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân chỉ bó hẹp ở một số cơ quan tổ chức nhà nước; quỹ xã hội, quỹ từ thiện…
Không sử dụng tiền cứu trợ chi cho khoản khác
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho biết các loại quỹ do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM vận động đều được sử dụng và quản lý theo đúng Quy chế hoạt động của từng quỹ. Trên cơ sở đó, khi thực hiện một nội dung chi cụ thể, đều phải đảm bảo các thủ tục theo đúng quy định, với nguyên tắc vận động được bao nhiêu sẽ nhanh chóng chuyển về địa phương bấy nhiêu để trao kịp thời đến tận tay người dân. Đồng thời bà Châu nêu, toàn bộ tiền vận động được từ các đơn vị, doanh nghiệp đều dùng vào mục đích chăm lo cho người cần hỗ trợ, tức chi phí phục vụ cho hoạt động quản lý quỹ do ngân sách nhà nước đảm bảo.
“Đối với các đơn vị vận động, các khoản công tác phí phát sinh (tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ, tiền mua vé phương tiện đi lại) đối với cán bộ, công chức được cử đi làm nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ; các khoản kinh phí khác liên quan được sử dụng từ nguồn kinh phí của đơn vị. Tuyệt đối không sử dụng nguồn tiền, hàng cứu trợ tiếp nhận được để chi trả khoản chi phát sinh trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ”, bà Châu nhấn mạnh.
Ngoài ra, mỗi khi tổ chức các hoạt động chăm lo, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN các cấp của TP đều thành lập đoàn đi trao trực tiếp cùng các đơn vị tài trợ để đảm bảo nguồn hỗ trợ đến tận tay người khó khăn. Theo bà Châu, hằng tháng, việc thực hiện thu chi đều có báo cáo; định kỳ đều tổ chức kiểm tra sổ sách, chứng từ thu chi để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế nếu có.
Bà Tô Thị Bích Châu nói: “Mọi người đều có quyền vận động để hỗ trợ những người gặp khó khăn, hoạn nạn nhưng phải đảm bảo sử dụng tiền ủng hộ một cách thiết thực, ý nghĩa và đảm bảo đúng quy định, bởi nếu không sử dụng đúng mục đích, đối tượng thì sẽ để lại hệ quả hoặc gây hoài nghi trong dư luận”.
Xã hội hóa hoạt động từ thiện để phát huy nguồn lực
Tiến sĩ Trần Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN, cho biết hiện Bộ Tài chính đang dự thảo NĐ mới thay thế cho NĐ 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân hiểm nghèo. Theo đó, dự thảo NĐ mới có quy định riêng về việc cá nhân, tổ chức tham gia vận động cho các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện ngoài 4 cơ quan, đơn vị như quy định hiện nay. Đây là chủ trương đúng với quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc xã hội hóa hoạt động cứu trợ, từ thiện, nhằm huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động có tính nhân đạo này.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc quy định cá nhân, tổ chức tham gia vận động cứu trợ, từ thiện nên gắn với những tổ chức chính thống đã được giao làm công việc này như MTTQ VN hay Hội Chữ thập đỏ các cấp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát, điều phối để đảm bảo minh bạch, không lãng phí các nguồn lực và cơ chế kiểm toán với những nguồn vận động có giá trị lớn”, tiến sĩ Hùng khuyến nghị.
Tiến sĩ Hùng cũng phân tích thêm: Thứ nhất, việc các cá nhân tổ chức khi đứng ra vận động, từ thiện gắn với các tổ chức chính thống thì với chức năng, nhiệm vụ được giao và cả kinh nghiệm, các tổ chức này sẽ có sẵn mạng lưới, hệ thống và quy trình chuẩn cho các hoạt động cứu trợ, từ thiện. Các tổ chức cá nhân sẽ được hỗ trợ trong cả các khâu đánh giá thiệt hại, nhu cầu, lựa chọn đối tượng cho tới triển khai hoạt động cứu trợ, từ thiện.
Bên cạnh đó, cơ chế giám sát cũng là điều cần chú ý vì hiện nay, đúng là có tình trạng lợi dụng việc vận động cứu trợ, từ thiện để trục lợi không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần và danh tiếng. Việc quy định gắn các hoạt động vận động cứu trợ, từ thiện của tổ chức cá nhân với các tổ chức như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ hay chính quyền địa phương sẽ tạo ra cơ chế để có thể giám sát, đảm bảo cho tính công khai, minh bạch của hoạt động này. Các cá nhân, tổ chức đứng ra tự vận động cứu trợ, từ thiện cũng có thể tránh được những rắc rối về pháp lý. Bên cạnh đó, các cơ quan như Hội Chữ thập đỏ với kinh nghiệm trong hoạt động này có thể là cơ quan điều phối hiệu quả, giúp tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Đối với những nguồn vận động cứu trợ, từ thiện với giá trị lớn, đề nghị phải có quy định về cơ chế kiểm toán để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc lợi dụng, trục lợi. Đây cũng là kinh nghiệm trên thế giới và các cơ quan được giao nhiệm vụ cứu trợ, từ thiện hiện cũng phải thực hiện cơ chế kiểm tra, kiểm toán. Tất nhiên, Chính phủ cần phải thiết kế quy định để đảm bảo các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động này tuân thủ song không gây khó khăn, phiền phức cho họ.
Phải có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ
Theo ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, để tránh những rắc rối phát sinh khi chưa có quy định mới của pháp luật, các tổ chức, cá nhân không thuộc diện được kêu gọi vận động cứu trợ, từ thiện nên phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng làm việc này. Tất cả các hoạt động cứu trợ, từ thiện của các cơ quan này đều được thanh kiểm tra và phải báo cáo với nhà nước.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ này như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ cũng phải có sẵn cơ chế để sẵn sàng phối hợp, hướng dẫn, đảm bảo khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ, từ thiện, đồng thời phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để có sự kiểm tra, giám sát đảm bảo tính minh bạch.
|