Đây là chủ đề của Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 do Bộ Công Thương triển khai nhân ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4.
Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: kinh tế thế giới sau đại dịch COVID -19 đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, tăng trưởng xanh được xem là chìa khoá đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 – 2030, tạo đà cho Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững.
Các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhân tố tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu Xanh gắn với phát triển bền vững. Trong mối quan hệ biện chứng, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại và ảnh hưởng trực tiếp đến nhau.
Xanh hoá để tăng trưởng bền vững mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả kinh tế và giá trị vô hình góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế. Xu hướng tiêu dùng của thế giới và trong nước cũng đang chuyển dịch nhanh sang các sản phẩm thân thiện với môi trường đặt ra những bài toán mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, nhất là tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường.
“Với yêu cầu trên, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất xanh thông qua đầu tư khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Gắn liền với quá trình chuyển đổi là tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tiến tới tạm dừng sản xuất sản phẩm có phác thải lớn gây ô nhiễm môi trường và thay thế bằng các dòng sản phẩm thân thiện, tiết kiệm năng lượng” – ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.
Sản xuất xanh trở thành một trong những yếu tố lợi thế để doanh nghiệp quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu. Đây cũng là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hàng hoá sang các thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là các thị trường đã có các FTA thế hệ mới với Việt Nam đều đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí khắt khe về môi trường. Các doanh nghiệp thực hiện tốt sản xuất xanh sẽ nắm bắt cơ hội xuất khẩu hàng hoá, mở rộng thị phần, phát triển ổn định và bền vững tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Chiến cũng nhìn nhận: bất cứ sự chuyển đổi nào cũng đều có những khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ, các bộ ngành tới địa phương thông qua các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu Xanh, góp phần phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh.
Trước đó, theo đánh giá của Brand Fanancial, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị trên thế giới, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được đánh giá là Thương hiệu Quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới với mức tăng 74% trong giai đoạn 2019 – 2022. Giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 32 trong top 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Bên cạnh sự phát triển của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), năm 2022, đã có 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia với kết quả kinh doanh ấn tượng. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36% cho thấy những sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang và được đánh giá cao trong nhiều bảng xếp hạng của các tổ chức thế giới.
Ngay từ năm 2003, Việt Nam đã khởi xướng “Chương trình thương hiệu quốc gia”. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời quy tụ, khơi dậy nỗ lực của các ngành, các cấp và nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn