Thursday, October 3, 2024

Ghi nhận mùa hè 2022 là nóng nhất trong lịch sử tại châu Âu

Ngày 20/4, cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là C3S, cho biết 2022 là năm có mùa Hè nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Hiện tượng này hoàn toàn có thể lặp lại trong bối cảnh châu Âu đang ấm lên với tốc độ gần gấp đôi so với tỷ lệ toàn cầu.

Báo cáo cập nhật hằng năm của C3S cho thấy 2022 là năm nóng thứ hai và có mùa Hè nóng nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập từ những năm 1950. Đáng chú ý, khu vực châu Âu đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp đôi so với mức trung bình thế giới, cụ thể ở mức 2,2 độ C trong vòng 5 năm qua so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ghi nhận mùa hè 2022 là nóng nhất trong lịch sử tại châu Âu

Một cánh đồng đậu tương bị khô hạn tại Sozzago, Italy ngày 11/7/2022. (Ảnh: AFP)

Mực nước của 2/3 số con sông tại châu Âu đã giảm xuống dưới mức trung bình và 5 km3 băng đã biến mất khỏi các dòng sông băng trên dãy Alps do tuyết rơi ít và nhiệt độ mùa Hè tăng mạnh.

Phó Giám đốc C3S, bà Samantha Burgess cho rằng với nồng độ khí thải nhà kính trong bầu khí quyển tăng cao, nhiều khả năng châu Âu sẽ tiếp tục nóng lên trong nhiều năm tới. Trong đó, chất lượng đất khu vực Nam Âu sẽ trở nên cực kỳ khô trừ khi có mưa nhiều vào mùa Xuân năm nay. Điều này tác động đáng kể đến vụ mùa và làm giảm sản lượng cây trồng trong năm.

Trong khi đó, Giám đốc C3S, ông Carlo Buontempo cho biết nhiệt độ kỷ lục năm 2022 đã tác động đáng kể đến hệ sinh thái và cộng đồng sinh sống trên toàn châu lục, khiến tình trạng hạn hán ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Cụ thể, châu Âu có mưa và tuyết ít hơn mức trung bình vào mùa Đông 2021-2022, sau đó là hàng loạt đợt nắng nóng mùa Hè kéo dài. Điều này không chỉ gây ra cháy rừng mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, năng lượng và vận tải đường sông, khiến lượng khí thải carbon trên toàn EU tăng mạnh nhất kể từ năm 2017.

Theo C3S, lượng khí thải nhà kính trong bầu khí quyển năm 2022 đã chạm mốc cao nhất được ghi nhận trong lịch sử. Tổ chức tư vấn khí hậu Ember dự báo lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2023.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã cam kết cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm đưa mức phát thải ròng về 0 để kiềm chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ toàn cầu năm 2022 đã tăng 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các đợt nắng nóng như những đợt bao trùm châu Âu trong những năm gần đây chắc chắn sẽ trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn, gây tác động rất lớn.

Trong khi đó, nhà khí tượng học của SVT, Tora Tomasdottir nhận định việc nhiều kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ trong một thời gian ngắn như vậy là rất bất thường. Theo ông Karlsson, các kỷ lục nhiệt độ tiếp theo rất có thể sẽ bị phá vỡ trong những năm tới do hình thái thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi