Hóc dị vật là một tình huống cấp cứu thường gặp ở trẻ em, có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ, do dị vật làm tắc nghẽn đường thở, dẫn đến thiếu oxy.
Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận một bé gái 10 tháng tuổi bị hóc xương lươn, đâm thủng thực quản, khiến bé suy hô hấp, nhiễm trùng, nguy kịch tính mạng và phải điều trị hơn 3 tháng.
Bé gái 10 tháng tuổi này được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng sốt, ho, thở mệt, kèm ói sau ăn cháo lươn. Bệnh của bé diễn tiến nặng rất nhanh, suy hô hấp, nhiễm trùng máu. Bệnh nhi phải nhập Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để thở máy, truyền dịch và dùng kháng sinh phổ rộng.
Sau khi chụp CT và hội chẩn, các bác sĩ tiến hành mổ nội soi lồng ngực. Dị vật sau khi lấy ra được xác định là hai mảnh xương lươn sắc nhọn.
Bác sĩ CKI Nguyễn Hiền, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Bé ở nhà 3 ngày mới được cho nhập viện, khi vào đây tình trạng ổ áp xe lớn và nhiễm trùng nặng. May mắn là chúng tôi kịp lấy 2 mảnh xương ra, bơm rửa, dẫn lưu trung thất. Tuy nhiên, thực quản đã bị thủng 1 lỗ rất to, không thể khâu lại nên phải bơm rửa đặt ống nhiều lần mới khâu lại thực quản được”.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày các bác sĩ đều tiếp nhận 8 -10 trẻ bị hóc dị vật đường thở, chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi. Đáng nói, nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan, tự ý chữa bằng mẹo dân gian như móc ngoáy sâu vào họng, nuốt cơm, trái cây…
Bác sĩ Nguyễn Hiền chia sẻ thêm: “Nếu nuốt thức ăn cứng như vậy sau khi bị hóc, với xương nhỏ thì có thể được, nhưng với xương lớn sẽ làm nó cắm sâu hơn vào thực quản, làm rách thực quản, dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn”.
Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ mắc dị vật, các gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Hóc dị vật là tai nạn thường gặp, xảy ra đột ngột. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh khi thấy trẻ ho, khò khè kéo dài nên đưa trẻ đi khám đề phòng biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: vtv.vn