Đối với đòi nợ, pháp luật quy định người cho vay không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực…, nhưng nhiều người đã bất chấp để rồi rơi vào tù tội vì đòi nợ không đúng cách.
Theo thông tin ban đầu, anh P.Q.K (32 tuổi) vay tiền của ông Luận nhưng chưa trả, nên bị em trai và con trai của ông Luận đưa về kho hàng của gia đình, khóa trái cửa nhằm gây sức ép đòi nợ. Sáng sớm hôm sau, ông Luận mở cửa kho thì phát hiện anh K. tử vong trong tư thế treo cổ, nên trình báo công an.
Từ bị hại trở thành bị cáo
Đó không phải lần đầu xảy ra vụ việc chủ nợ vướng lao lý do đòi nợ không đúng cách.
Tháng 3.2023, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Mai Thị Lan Duyên (29 tuổi) và Nguyễn Đức Huy (26 tuổi) cùng mức án 11 năm tù về tội cướp tài sản. Cũng trong vụ án, Nguyễn Linh Thùy (29 tuổi) bị tuyên 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ba bị cáo này vốn là bạn bè, nhưng do cần tiêu xài, Thùy nảy sinh ý định vay tiền của người khác rồi chiếm đoạt. Thùy nói dối có mẹ làm tổng giám đốc một tập đoàn lớn, quen biết giới nghệ sĩ Hàn Quốc, thậm chí bịa chuyện anh trai chết… để tạo lòng tin. Do thương cảm, Huy nhiều lần cho Thùy vay tiền; Duyên cũng chuyển cho Thùy hơn 400 triệu đồng để cho vay, nhờ mua đồ hiệu, đầu tư cổ phiếu, bất động sản… nhưng Thùy tiêu xài cá nhân hết. Huy và Duyên nhiều lần đòi tiền, Thùy tìm cách khất, thậm chí viết cả giấy vay nợ mà vẫn chưa trả.
Bất lực, Huy, Duyên rủ thêm 2 người nữa cùng nhau đến nhà Thùy. Sau một hồi đôi co, nhóm Duyên dùng băng keo trói tay chân của Thùy, nhằm gây sức ép với mẹ Thùy phải trả nợ thay cho con gái. Mẹ Thùy thấy vậy liền báo công an.
Tại tòa, Duyên khai số tiền bị Thùy lừa là khoản tích cóp trong suốt 5 năm đi làm ở Hà Nội, bị cáo không đi cướp, cũng không lên kế hoạch trước về việc trói đối phương, chỉ muốn đến đòi lại tiền, vì quá nóng giận mà phạm tội, mong HĐXX cho hưởng khoan hồng.
HĐXX nêu quan điểm dù Thùy có nợ tiền nhưng các bị cáo cũng không được dùng vũ lực hay đe dọa dưới bất cứ hình thức nào. “Các bị cáo có giấy vay nợ, nếu Thùy không trả thì có quyền lên công an trình báo hành vi lừa đảo. Phải có biện pháp khác, không thể ai cũng đi đòi nợ bằng nắm đấm được”, chủ tọa phân tích.
Cuối cùng, từ bị hại bị lừa đảo, Duyên và Huy kéo theo 2 người nữa trở thành bị cáo cướp tài sản. Thùy được xác định là bị hại trong vụ cướp, nhưng đồng thời là bị cáo trong vụ lừa đảo, ngoài án tù còn phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của Duyên và Huy.
Một vụ án khác, tháng 4.2022, TAND TP.Tuy Hòa (Phú Yên) tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù đối với bà Nguyễn Thị Thanh Châu về tội cưỡng đoạt tài sản. Bà Châu cho chị L.T.V vay 30 triệu đồng, nhưng V. mãi không trả. Để siết nợ, bà Châu rủ thêm 2 người đến nhà chị V., lấy đi một số tài sản gồm tủ lạnh, loa, bộ lục bình… với tổng trị giá 5,6 triệu đồng. Ngoài bà Châu, 2 người đi cùng bị tuyên 2 năm 3 tháng tù và 1 năm 6 tháng tù về cùng tội danh.
Cho vay không phải “thích làm gì cũng được”
Điểm chung của các vụ án trên, chủ nợ phạm tội xuất phát từ bối cảnh đã nhiều lần đòi nợ nhưng người vay chưa trả, do đó dùng vũ lực hoặc đe dọa để gây sức ép với đối phương.
Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), không ít chủ nợ còn thiếu hiểu biết pháp luật, cho rằng có thể dùng bất cứ biện pháp gì miễn là đòi được nợ. Điều này khiến nhiều người lâm vào cảnh tù tội.
Để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc, trước hết chủ nợ cần tự đánh giá hoặc nhờ bên thứ ba am hiểu pháp luật xác định việc người nợ không trả nợ có dấu hiệu hình sự hay chỉ là tranh chấp dân sự. Nếu người nợ dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền rồi chiếm đoạt (như vụ án của 2 bị cáo Huy và Duyên) thì có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu việc vay mượn là hợp pháp, nhưng sau đó người vay tìm cách chiếm đoạt hoặc có khả năng mà cố tình không trả, thì có dấu hiệu tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này, chủ nợ cần tố cáo hành vi của người nợ tới cơ quan công an.
Nếu người nợ không có các hành vi đã nêu thì việc vay tiền chỉ là giao dịch dân sự, luật sư Tâm cho hay chủ nợ có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người nợ trả tiền. Dù vậy, ở trường hợp nào, chủ nợ khi đòi tiền cũng không được dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, chiếm giữ tài sản hoặc bắt giữ “con nợ”.
Nếu thực hiện những hành vi trên, chủ nợ từ người cho vay có thể trở thành bị can, bị cáo theo một trong các tội danh như cướp tài sản (dùng vũ lực khiến “con nợ” không thể chống cự, nhằm chiếm đoạt tài sản), cưỡng đoạt tài sản (uy hiếp tinh thần “con nợ” nhưng chưa đến mức không thể chống cự, để chiếm đoạt tài sản), bắt giữ người trái pháp luật (bắt, giam giữ “con nợ” để ép trả tiền)…
Luật sư Tâm khuyến cáo chủ nợ cần tìm hiểu quy định pháp luật trước khi quyết định lựa chọn các hình thức đòi nợ, vì cho vay nhưng không đồng nghĩa “thích làm gì cũng được”.
Cần có tội “đòi nợ trái pháp luật”?
Đề cập các vụ việc người đi đòi nợ bị xử lý hình sự, Ths. Võ Văn Tài, Phó khoa Kiểm sát hình sự (Trường Đào tạo – bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM), cho rằng cần nghiên cứu xây dựng một tội danh độc lập, có thể là “đòi nợ trái pháp luật” hoặc “sử dụng biện pháp đòi nợ trái phép” chẳng hạn, nhằm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi với xã hội, đồng thời phát huy ý nghĩa của truy cứu trách nhiệm hình sự là nhằm giáo dục chứ không đơn thuần là trừng trị.
Nguồn: thanhnien.vn