Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ KH&ĐT cho biết tại cuộc Tọa đàm: “Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 27/4.

Những tín hiệu tốt cho tăng trưởng, phát triển xanh

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ KH&ĐT – Ảnh: VGP/Quang Thương.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong suốt thời gian qua đặc biệt là giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp FDI đóng vai trò rất quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện phát triển bền vững bao trùm, trong đó có tăng trưởng xanh.

Doanh nghiệp đã đầu tư 9 tỷ USD cho tăng trưởng xanh

Doanh nghiệp FDI không chỉ giúp tạo ra sự thay đổi về nhận thức, giúp tạo ra nguồn lực, kinh nghiệm để quản trị, công nghệ trang thiết bị hiện đại thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh trong sản xuất. Đồng thời hợp tác đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chung tay góp sức vì sự nghiệp tăng trưởng xanh chung này.

“Có thể nói, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI là rất lớn”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo tính toán của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như năng lượng tái tạo hay đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh.

“Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt”, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn thách thức thì hiện nay các doanh nghiệp đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh, góp phần nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của mình.

Đồng thời, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, tạo ra một sự bảo vệ môi trường thân thiện , sử dụng một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn. Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tư duy trong việc cần phải thực hiện phát triển xanh, đầu tư xanh, ứng với một nền kinh tế xanh, xã hội xanh.

Vẫn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện. Nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao.

“Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng xanh là mục tiêu khó. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nước ta chưa nhiều”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Cần “giải toả” các “nút thắt”

Bình luận về một số khó khăn mà doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước gặp phải, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận mạnh đến một số yếu tố cơ bản sau.

Những tín hiệu tốt cho tăng trưởng, phát triển xanh

Toàn cảnh cuộc toạ đàm. Ảnh: VGP/Quang Thương.

Thứ nhất, những khó khăn này có phần liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong việc tạo cơ chế chính sách, tạo môi trường khuyến khích, phát triển, nuôi dưỡng đầu tư sản xuất, kinh doanh phục vụ cho mục tiêu phát triển xanh.

Trong suốt thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã chủ động tham mưu trình Chính phủ cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để dần hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ phát triển xanh.

Hiện nay chúng ta đã có Chiến lược tăng trưởng xanh, có kế hoạch hành động. Đồng thời, các nội dung này đã lồng ghép trong các quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương để thực hiện mục tiêu này.

Nhưng điều đó là chưa đủ. Chính phủ sẽ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đảm bảo rằng khung khổ pháp lý thực sự thuận lợi, có tính khuyến khích. Trong đó, chúng ta cũng tìm ra cơ chế chính sách ưu đãi thực sự thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thay đổi nhận thức và thực hiện một cách có hiệu quả trong việc sản xuất kinh doanh theo hướng xanh.

Về phía doanh nghiệp, xuất phát từ nội tại có khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp trong nước. Đầu tiên là tư duy. Tư duy của doanh nghiệp về việc đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng xanh cho đến bây giờ chưa trở thành nhận thức tự thân. Chúng ta cần phải thay đổi.

Hiện nay có một xu thế sẽ đóng vai trò chủ đạo, đó là đầu tư ảnh hưởng. Ở đây không phải đầu tư mục đính chính là lợi ích kinh tế mà mang lại lợi ích tổng thể, kể cả về môi trường xã hội. Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, cái quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức.

Thứ hai, khó khăn liên quan đến nguồn lực và công nghệ. Vấn đề này các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế. Khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi biết rằng các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu thực hiện sản xuất xanh, đó là một yêu cầu theo đúng tiêu chuẩn liên quan ESG. Đó là yêu cầu của các nền kinh tế phát triển, như EU, Hoa Kỳ.

Đáp ứng những yêu cầu đó thì các sản phẩm của Việt Nam mới tiếp cận được thị trường. Và các doanh nghiệp nước ngoài với những yêu cầu đó sẽ có những thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để dần thay đổi cách tiếp cận kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra.

Thứ ba, khó khăn đối với các doanh nghiệp là nguồn nhân lực. Cho đến nay chúng ta vẫn đánh giá nguồn nhân lực bao giờ cũng đóng vai trò là trung tâm, chủ thể, động lực của sự phát triển, không chỉ của các quốc gia mà kể cả các doanh nghiệp. Chúng ta cần phải đào tạo ra nguồn nhân lực thực sự chất lượng cao, đặc biệt có tư duy nhận thức trong việc thực hiện sản xuất kinh doanh theo hướng xanh.

“Nếu giải quyết được tất cả vấn đề đó, các khó khăn của doanh nghiệp sẽ được giải tỏa. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước trong việc đóng góp cho thành công của mục tiêu tăng trưởng xanh mà chúng ta có thể đạt được. Mặc dù đó là cam kết hết sức tham vọng và khó nhưng chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Đó là, đến năm 2050 chúng ta trung hòa carbon theo đúng như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.