Một trong những liên doanh khách sạn được xây dựng đầu tiên khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gắn liền với sự phát triển của ngành du lịch TP.HCM, đã đóng cửa sau 30 năm hoạt động vì vắng khách.
Khách sạn chuẩn 4 sao Norfolk nằm ở số 117 Lê Thánh Tôn, quận 1, chỉ cách phố đi bộ Nguyễn Huệ vài chục bước chân, cạnh bên tòa nhà UBND TP.HCM và cách chợ Bến Thành khoảng 100m, không mở cửa hoạt động thời gian gần đây.
Trên trang web của khách sạn có dòng chữ tiếng Anh thông báo, tạm dịch “Sau 30 năm liên doanh, khách sạn Norfolk đóng cửa, không còn phục vụ quý khách”. Khi bấm vào thông báo này, khách sẽ được giới thiệu về căn hộ dịch vụ khác cùng tập đoàn.
Qua điện thoại, nhân viên của đơn vị này cho biết, khách sạn Norfolk hiện đóng cửa và chưa biết khi nào mở lại vì vắng khách.
Khách sạn có 104 phòng, ngoài ra còn có những dịch vụ tiện ích khác của 1 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao như quầy bar, phòng gym, nhà hàng…
Tại cửa ra vào của khách sạn, hiện đã đóng kín, bên cạnh bảng hiệu 4 sao do Tổng cục Du lịch cấp còn treo tấm bảng ghi nội dung: Khách sạn Norfolk được chính thức khai trương bởi Bộ trưởng Thương mại và Phát triển hải ngoại Úc Neal Blewett vào ngày 21.10.1991 và là khách sạn liên doanh đầu tiên giữa Việt Nam và Úc.
Như vậy, có thể nói, đây là một trong những khách sạn xây mới đầu tiên ngay sau khi điểm đến Việt Nam mở cửa chính thức cho du khách quốc tế, tính từ mốc năm 1990. Vào năm 1990, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 250.000 lượt, khách nội địa khoảng 1 triệu và cả nước thời điểm này chỉ có 4 công ty lữ hành quốc tế.
Trong suốt thời gian dài, Norfolk là điểm dừng chân quen thuộc của du khách quốc tế khi đến TP.HCM cùng những khách sạn của nhà nước lân cận.
Thời gian gần đây, vì vắng du khách, nhiều khách sạn tại trung tâm quận 1 đóng cửa, rao bán dù nằm ở những vị trí đắc địa, trên những cung đường từng tập trung nhiều du khách nước ngoài.
Trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, hàng loạt khách sạn ở quận 1 rao bán. Nhiều khách sạn trên những tuyến đường đông đúc du khách nước ngoài như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân, Thái Văn Lung, Đề Thám, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thái Học, Thủ Khoa Huân…. đang tìm khách mua.
Một số khách sạn thay đổi chức năng thành văn phòng cho thuê, như khách sạn 4 sao Lavender ngay góc ngã tư Lý Tự Trọng và Trương Định. Khách sạn này trước đại dịch là nơi lưu trú khá nổi tiếng, vì nằm ở vị trí “vàng”, có thể đến chợ Bến Thành vài chục mét, qua phố Tây và đến trung tâm rất gần. Các khách sạn khác trên trục đường Lê Lai, đối diện công viên 23.9 và gần nhà ga Metro cũng thay đổi công năng, thành văn phòng cho thuê…
Báo cáo về thị trường khách sạn TP.HCM trong quý 1/2023 của Công ty Savills Việt Nam cho biết: Công suất phòng tại TP.HCM đạt 68%, tăng 6% so với quý trước và giá phòng trung bình đạt 1,9 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 5% so với quý trước.
Trong quý 1/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2,7 triệu lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho biết, con số này vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Khách sạn hạng sang rao bán hàng loạt, người dân xót xa “mong du lịch hồi phục”
Norfolk là thương hiệu khách sạn của doanh nghiệp Úc, đầu tư vào Việt Nam từ cuối thập niên 80, khởi đầu với khách sạn Norfolk ở trung tâm TP.HCM, sau đó phát triển các dự án căn hộ dịch vụ 5 sao, văn phòng cho thuê… Một trong số những dự án nổi tiếng nhất của Norfolk chính là khu nghỉ 6 sao Six Sense Côn Đảo.
Nguồn: thanhnien.vn