Saturday, January 18, 2025

“Điểm nóng” Sudan chưa hạ nhiệt, dân thường tìm cách trốn chạy

Giao tranh vẫn tiếp diễn ở thủ đô Khartoum và các khu đô thị bất chấp việc các bên xung đột tại Sudan đã nhất trí gia hạn thoả thuận ngừng bắn. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải sơ tán chỉ trong hai tuần qua. Căng thẳng leo thang đã làm chệch hướng quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ được quốc tế ủng hộ tại Sudan và đe dọa gây bất ổn tại khu vực.

Giao tranh đặc biệt dữ dội ở các khu vực xung quanh toà nhà chỉ huy của quân đội và sân bay quốc tế Khartoum. Đây đều là những khu vực điểm nóng kể từ khi xung đột tại Sudan nổ ra hôm 15/4.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự hỗn loạn dai dẳng tại quốc gia Đông Phi, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/4 cho biết một trong những chiếc máy bay sơ tán của nước này đã bị trúng đạn bên ngoài thủ đô Khartoum, song không có thương vong. Lo ngại xung đột quân sự leo thang ở Sudan, Hàn Quốc đã cấm công dân nước này đến Sudan.

Trong khi đó, Nga kêu gọi cả hai bên trong cuộc xung đột ở Sudan ngừng bắn vĩnh viễn và giải quyết những khác biệt thông qua đàm phán. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Nga đang thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để đảm bảo an toàn cho các công dân Nga đang ở Sudan, đồng thời duy trì liên lạc thường xuyên với tất cả các quốc gia liên quan, trong đó có Saudi Arabia để phối hợp và thực hiện sơ tán công dân nước ngoài cần giúp đỡ.

Các trận chiến trên đường phố với các trận pháo kích, không kích và xả súng đã gây ra sự khốn khổ cho hàng triệu người Sudan. Nhiều người đã rời Khartoum đến biên giới phía bắc với Ai Cập, hoặc đến thành phố Port Sudan trên Biển Đỏ. Hệ thống chăm sóc sức khỏe gần như sụp đổ với hàng chục bệnh viện ngừng hoạt động. Nhiều cơ quan viện trợ đã phải tạm dừng hoạt động và sơ tán nhân viên.  

Theo Người phát ngôn Văn phòng cao uỷ Liên Hợp Quốc về nhân quyền Ravina Shamdasani, hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, hàng chục nghìn người chạy sang các nước láng giềng kể từ khi giao tranh nổ ra.

“Hàng trăm nghìn người đã rời bỏ nhà cửa để tìm những nơi an toàn hơn dù phải trả bằng bất cứ giá nào và đối mặt với nguy hiểm trên đường đi. Tuy nhiên hàng nghìn người khác vẫn đang mắc kẹt trong các khu dân cư nơi giao tranh xảy ra. Họ hàng ngày phải đối mặt với các cuộc không kích, pháo kích và việc sử dụng vũ khí hạng nặng, thiếu lương thực, nước, điện, nhiên liệu và hạn chế tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tiền mặt do ngân hàng đóng cửa, cũng như thông tin liên lạc hạn chế”, bà Shamdasani nói.

Bộ Y tế Sudan ước tính, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và gần 4.200 người bị thương trong cuộc giao tranh này và con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Liên hợp quốc hôm qua cho biết sẽ cùng với các đối tác sẽ thành lập một nhóm nòng cốt nhằm giải quyết tình hình nhân đạo nghiêm trọng tại Sudan. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cũng đã quyết định giải ngân 3 triệu USD từ Quỹ Ứng phó khẩn cấp trung tâm (CERF) để trợ giúp khẩn cấp cho những người Sudan phải đi sơ tán và nhiều người khác tại Cộng hoà Chad./.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img