HLV Philippe Troussier dường như hiểu được áp lực bủa vây, khi dù U.22 Việt Nam có chiến thắng, ông cùng học trò vẫn bị hoài nghi, soi xét.
Áp lực đặt lên đôi vai U.22 Việt Nam là điều dễ hiểu, sau 2 kỳ SEA Games liên tục vô địch lần lượt với hàng công xuất sắc nhất (năm 2019) và hàng phòng ngự chắc chắn nhất (năm 2022). Dẫu biết bóng đá trẻ khác với đỉnh cao, mỗi lứa cầu thủ mang một đặc trưng cá tính và chất lượng thi đấu khác nhau, nhưng đã lên đỉnh cao, khó mà không đặt mục tiêu trụ lại ở đỉnh cao.
Áp lực đặt lên đôi vai HLV Philippe Troussier, có lẽ cũng dễ hiểu không kém. Nhà cầm quân người Pháp tiếp quản một di sản khổng lồ sau 5 năm thành công của HLV Park Hang-seo. Suốt thời gian dài huấn luyện U.22 Việt Nam, ông Park bất bại 13 trận ở SEA Games, 2 lần giành ngôi cao nhất. Với bóng đá trẻ Việt Nam dưới thời thầy Park, thắng ở Đông Nam Á là lẽ hiển nhiên. Ông Troussier lãnh trách nhiệm với bóng đá Việt Nam, tức là chấp nhận kế thừa sự hiển nhiên ấy.
HLV Troussier hiểu áp lực mà ông cùng học trò mang trên vai ở SEA Games 32. Có lẽ rất lâu rồi, mới có một trận đấu mà dù đội Việt Nam thắng, nhưng HLV trưởng phải… phân trần nhiều đến thế. Chiến lược gia 68 tuổi nói về triết lý, kêu gọi người hâm mộ kiên nhẫn, giải thích tại sao U.22 Việt Nam nên theo đuổi lối chơi kiểm soát. Ông Troussier muốn bóng đá Việt Nam lùi một bước, chấp nhận rủi ro khi chuyển mình theo lối chơi hoàn toàn mới để tiến nhiều bước, đó là mục tiêu World Cup.
Tuy nhiên, thật khó để mang một mục tiêu dài hạn và vĩ mô (World Cup) để giải thích cho một trận đấu nhỏ, ở một giải đấu vốn nhỏ hơn nhiều (SEA Games). Sau trận thắng U.22 Lào, HLV Troussier bảo vệ học trò trước giông tố hoài nghi đã ập đến, nay càng dữ dội hơn bởi một trận đấu “thắng nhưng chưa đã”. Nhưng về lâu dài, thay vì chờ đợi người hâm mộ cảm thông, U.22 Việt Nam và chính ông Troussier cần quen dần với áp lực, coi đó như điều tất yếu.
Mọi đội bóng mạnh đều chịu sức ép phải bước qua ranh giới kỳ vọng. Còn thành công là còn áp lực, mà còn áp lực là còn thành công. Nếu U.22 Việt Nam chơi kém trước U.22 Lào và giới mộ điệu xem đó là chuyện bình thường, ấy mới là điều đáng lo. Còn khi sức ép và kỳ vọng vẫn còn, nghĩa là ẩn sâu trong đó vẫn có niềm tin rằng ông Troussier cùng học trò có thể cải thiện hơn nữa. Sức ép là chuyện thường tình trong thể thao, khác biệt ở chỗ cầu thủ giỏi có thể “ngược gió” để bay cao.
Vấn đề của U.22 Việt Nam là giữ tâm lý bình thản thế nào trước áp lực dồn dập mỗi ngày. Sau trận đấu với U.22 Lào, U.22 Việt Nam đã có giờ phút thư giãn thoải mái bên bể bơi, tạm có một ngày nghỉ ngơi để “thoát ly” khỏi áp lực.
Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, HLV Troussier sẽ nhả dần khối lượng tập luyện trong những ngày tới. Bởi suy cho cùng, lối chơi và cá tính U.22 Việt Nam đã được hình thành từ quá trình chuẩn bị trước đó. Quãng thời gian nghỉ ít ỏi giữa các trận đấu ở SEA Games dường như chỉ đủ để cầu thủ phục hồi, rồi điều chỉnh lại một số chi tiết để cải thiện hiệu quả chiến thuật. Việc đòi hỏi U.22 Việt Nam phải “lột xác”, trở thành đội bóng hoàn toàn khác chỉ sau 2, 3 ngày gần như bất khả thi.
Đó là lý do HLV Troussier nhấn mạnh lại, rằng đội bóng của ông cần thời gian. Để thực hiện cú chuyển mình, U.22 Việt Nam phải có sự tích lũy. Cho đến khi đạt đến sự thay đổi, ngày nhà cầm quân người Pháp cùng học trò cần đan chặt đôi bàn tay vào nhau để dìu nhau vượt qua giông tố áp lực.
Sức ép tại SEA Games có thể vượt ngưỡng chịu đựng của những cầu thủ mới lần đầu bước ra sân chơi lớn, nhưng đó là phép thử để kiểm tra rằng liệu lứa U.22 có đủ năng lực để gánh vác những mục tiêu quan trọng của bóng đá Việt Nam hay không.
Nguồn: thanhnien.vn