Friday, November 29, 2024

Tình hình Covid-19 hôm nay 19.9: TP.HCM chưa phát hiện F0 cố ý lưu thông ngoài đường



Tin tức về tình hình Covid-19 hôm nay: 135 F0 lưu thông ngoài đường thời gian qua ở TP.HCM không biết mình là F0. Công an TP.HCM cho biết đến nay chưa phát hiện F0 cố ý lưu thông ngoài đường, vi phạm quy định phòng chống dịch.

Tình hình Covid-19 hôm nay 19.9: TP.HCM chưa phát hiện F0 cố ý lưu thông ngoài đường

 

Thông tin về tình hình Covid-19 hôm nay, 135 F0 lưu thông ngoài đường ở TP.HCM không biết mình là F0. Chiều 19.9, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong 24 giờ qua, thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM) thông tin rõ hơn về việc có 135 F0 lưu thông ngoài đường và việc hủy, thu hồi 50 giấy đi đường của F0 liên quan. “50 trường hợp F0 lưu thông trên đường đều thuộc diện cấp giấy đi đường, sau đó bị nhiễm Covid-19, chứ không phải đang bị Covid-19 mà được cấp giấy lưu thông ngoài đường”, ông Lê Mạnh Hà thông tin rõ. Theo thượng tá Hà, do có một độ trễ từ lúc đi lấy mẫu xét nghiệm đến khi có kết quả dương tính, rồi các danh sách F0 cập nhật vào dữ liệu quốc gia dân cư, có khi phải 5 ngày mới cập nhật. Vì vậy, khi lưu thông trên đường, các trường hợp F0 này không biết mình đang là F0. “Đến nay Công an TP.HCM chưa phát hiện F0 cố ý lưu thông ngoài đường, vi phạm quy định phòng chống dịch”, ông Hà nêu. 

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM xác minh người dân phản ánh không được cứu trợ. Văn phòng Chính phủ ngày 18.9 đã có văn bản gửi UBND TP.HCM để truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu xác minh về việc người dân phản ánh không được cứu trợ. Văn bản nêu rõ: thời gian gần đây, tại một số nơi ở TP.HCM có tình trạng người dân tụ tập kéo lên trụ sở UBND xã, phường phản ánh không được cứu trợ. Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định; khẩn trương rà soát không để sót, lọt đối tượng, không để người dân thiếu ăn, không để bất bình đẳng trong việc nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng kích động người dân gây mất an ninh trật tự và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Thanh tra TP.HCM đề nghị cung cấp hồ sơ về gói hỗ trợ đợt 2. Gói hỗ trợ đợt 2 là một trong những nội dung quan trọng mà Đoàn thanh tra, kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị UBND 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức cung cấp hồ sơ. Đó là công tác chăm lo, an sinh xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng trong gói hỗ trợ an sinh số 2; công tác cấp phát túi an sinh, chuẩn bị suất ăn cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 5.2021 đến nay, TP.HCM đã chi hỗ trợ 2 đợt và liên tục mở rộng đối tượng được trợ cấp do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, cuộc sống người dân khó khăn. Tính đến giữa tháng 9.2021, TP.HCM đã hỗ trợ cho người dân khoảng 6.500 tỉ đồng, bao gồm 1.400 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa.

TP.HCM dự kiến chi gói hỗ trợ đợt 3 từ ngày 22.9. Sở LĐ-TB-XH vừa đề xuất UBND TP.HCM hỗ trợ cho 2 triệu hộ thường trú, tạm trú với khoảng 7,1 triệu người; và hơn 450.000 người đang lưu trú bị mất việc làm, không còn thu nhập do giãn cách, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tổng kinh phí đề xuất hơn 7.500 tỉ đồng (đề xuất chưa nêu cụ thể mức hỗ trợ, hỗ trợ cho khoảng thời gian nào đối với từng người). Bốn nhóm đề xuất được hưởng hỗ trợ gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn; người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã; người phụ thuộc (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con) của hộ khó khăn; người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, xóm nghèo… Dự kiến bắt đầu chi hỗ trợ cho người dân khó khăn từ ngày 22.9 – 4.10 qua hình thức chi trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản khi có yêu cầu, không hỗ trợ người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.

Một giáo viên ở Quảng Bình được tiêm cùng lúc 2 mũi vắc xin Covid-19. Theo đó, vụ việc xảy ra tại điểm tiêm ở Bệnh viện đa khoa H.Lệ Thủy ngày 18.9, do nhân viên bệnh viện trực tiếp tiêm. Theo quy trình, mỗi người vào tiêm được phát 2 tờ giấy kẹp lại với nhau. Tờ trên dành cho người được tiêm tự khai thông tin cá nhân, tờ dưới để điền các chỉ số khám của bác sĩ khám. Khi tiêm xong, nhân viên y tế lật tờ giấy lại đề vào chữ “rồi”, người được tiêm về vị trí ngồi chờ theo dõi sau tiêm. Tuy nhiên, cô giáo L.T.L (32 tuổi, giáo viên Trường tiểu học và THCS Trường Thủy), khi tiêm xong không về vị trí chờ mà tiếp tục qua bàn tiêm thứ hai trình giấy và được tiêm thêm 1 mũi vắc xin AstraZeneca. Nhân viên y tế tiêm xong mũi thứ hai này, lật giấy lại để ghi thì thấy có chữ “rồi”. Phát hiện sự việc, cô giáo được đưa về vị trí theo dõi đặc biệt và được tổ cấp cứu theo dõi sát, giải thích. Sau một thời gian theo dõi, sức khỏe bình thường nên cô giáo ra về.

Đà Nẵng xây dựng 3 phương án nới lỏng các hoạt động. Tại cuộc họp chiều tối qua 18.9, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết trong giai đoạn tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục nới lỏng các hoạt động với 3 phương án được xây dựng. Cụ thể, phương án 1, trên cơ sở Quyết định 2985 của UBND TP (về việc nới lỏng một số hoạt động theo vùng có hiệu lực từ ngày 16.9), địa phương tiếp tục mở rộng một số hoạt động kèm với các biện pháp kiểm soát. Phương án 2, qua thời gian dài không ghi nhận ca cộng đồng, TP.Đà Nẵng cho các hoạt động trở lại bình thường, chỉ tạm dừng một số hoạt động như karaoke, spa… Phương án 3, sử dụng thẻ xanh, vàng, trắng theo mức độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, cho phép người dân đảm bảo các điều kiện để tham gia hoạt động theo nhiều mức độ.

Cà Mau ghi nhận 7 ca dương tính Covid-19 trong một gia đình. Đó là chùm ca bệnh ở tiệm cơm tấm, bánh tầm 112 ở khóm 1, P.4, TP.Cà Mau, là gia đình hai anh em ruột ở chung một nhà. Gia đình thứ nhất gồm bệnh nhân N.T.L (62 tuổi) và vợ là bệnh nhân A.T.N.T (52 tuổi) làm nghề bán cơm, bánh tầm cùng 2 con là bệnh nhân N.G.H (18 tuổi); bệnh nhân N.G.L (24 tuổi). Khoảng 15 giờ ngày 13.9, quán của bệnh nhân N.T.L đóng cửa do khu vực khóm 1, P.4 bị phong tỏa. Đến sáng 18.9, 4 bệnh nhân trên có biểu hiện sốt nên báo cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm. Gia đình thứ hai là anh trai của bệnh nhân N.T.L gồm vợ chồng bệnh nhân N.V.L (84 tuổi), bệnh nhân P.M.T (76 tuổi) và con gái là bệnh nhân N.P.B.T (48 tuổi).

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, số ca mắc Covid-19 mới tăng nhanh ở TX.Buôn Hồ (Đắk Lắk). Sáng 19.9, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết vừa ghi nhận thêm 77 ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn tỉnh; trong đó, TX.Buôn Hồ có 60 ca. Trước đó, từ ngày 15 – 17.9, TX.Buôn Hồ có 47 trường hợp mắc Covid-19, phần lớn liên quan đến người lao động tại vựa thu mua sầu riêng L.T ở P.Đạt Hiếu. Ngày 18.9, cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm cho trên 33.000 người dân tại 4 phường của TX.Buôn Hồ gồm: An Lạc, An Bình, Thiện An và Đạt Hiếu. Theo Sở Y tế Đắk Lắk, trong số 60 ca mắc mới Covid-19 kể trên ở TX.Buôn Hồ, có đến 59 ca phát hiện trong cộng đồng qua xét nghiệm tại các phường này. Từ ngày 19.9, lực lượng y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tại 2 phường Đoàn Kết và Thống Nhất với gần 16.000 người.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img