Điểm đến đầu tư hấp dẫn

Theo đại diện UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020, thu hút FDI của Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Những năm sau đó, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19, thu hút FDI vào thành phố Hà Nội có sự giảm sút nhưng sang năm 2023, Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI của Hà Nội đạt gần 1,71 tỷ USD, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cấp mới 103 dự án với số vốn 35,2 triệu USD; 50 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 91,8 triệu USD; 105 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 79,9 triệu USD.

Hà Nội đột phá trong thu hút FDI

Bất động sản là lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm và rót vốn nhiều nhất khi đầu tư vào Hà Nội

Kết quả này đã đưa Hà Nội trở lại vị trí đứng đầu toàn quốc. Trên địa bàn thành phố đang có hơn 7.000 dự án còn hiệu lực, vốn đầu tư đạt 61,7 tỷ USD (trong đó vốn, mua cổ phẩn với giá trị 21,8 tỷ USD); về vốn thực hiện đạt 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%) – tỷ lệ cao so với bình quân chung của cả nước.

Bất động sản là lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn FDI nhất của Hà Nội, chiếm 63% tổng vốn FDI trên địa bàn. Tiếp đến là các lĩnh vực: dịch vụ buôn bán hàng hoá, xây dựng và khoa học công nghệ. Qua khảo sát các nhà đầu tư châu Á – Thái Bình Dương năm 2023 do CBRE thực hiện, Hà Nội lọt vào top 10 điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: dòng vốn FDI có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp, dự án hiện hữu. Điều này khẳng định tiềm năng thu hút của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung song cũng chỉ dấu về những vướng mắc nhất định đối với dòng vốn trực tiếp vào các dự án, trong đó có dự án sử dụng đất.

Kiến nghị thành lập tổ công tác liên bộ hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc

Chia sẻ thêm về những vướng mắc này, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền liên quan đến việc triển khai lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dẫn tới một số dự án đã được cấp phép cũng chậm tiến độ do phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Từ đó, công tác xây dựng các danh mục, các dự án để công bố, kêu gọi thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. 

Về cơ chế, chính sách, những quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản… có những thay đổi, chồng chéo, chưa thống nhất khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn, nhất là với những dự án quy mô lớn, thực hiện trong thời gian dài và trải qua các giai đoạn chuyển tiếp của quy định pháp luật.

Hà Nội đột phá trong thu hút FDI

Dây chuyền sản xuất tại công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội

Về tiếp cận đất đai, theo quy định pháp luật về đất đai, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai thông qua 3 hình thức: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thông qua thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Trên thực tế, việc xây dựng danh mục dự án để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn chậm, khó khăn. Quỹ đất phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố còn triển khai chậm trong thời gian vừa qua,

Về tiến độ thực hiện, còn có dự án chậm tiến độ nhưng không đủ cơ sở điều chỉnh do không thuộc trường hợp gia hạn quá 24 tháng quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư. Mặt khác, việc thu hồi dự án gặp khó khăn do thiếu quy định chi tiết về xử lý các nghĩa vụ, quyền lợi của nhà đầu tư nhằm tránh phát sinh khiếu kiện và tác động xấu đến môi trường đầu tư.

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch cũng như rà soát quy hoạch chung xây dựng của Thành phố để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023.

Đồng thời, tập trung xây dựng danh mục công khai thu hút đầu tư – nội dung mà các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm; tạo mặt bằng “sạch” để thúc đẩy hình thành các khu, cụm công nghiệp với mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, thành lập 4-5 khu công nghiệp thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Cuối cùng thành phố đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính trong giải quyết lĩnh vực đầu tư nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, với các dự án quy mô lớn, phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài năm nảy sinh nhiều bất cập liên quan đến vấn đề pháp lý, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập tổ công tác liên bộ để hỗ trợ các địa phương,trong đó có Hà Nội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án.