Năm nay điểm chuẩn đại học tăng quá cao khiến nhiều thí sinh điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng vẫn có nguy cơ trượt đại học. Nhìn từ góc độ cơ cấu dân số, có thể nêu ra một hướng giải quyết cho tình trạng này.
Trong giáo dục, người ta tính đến số học sinh theo học hằng năm phụ thuộc vào số người được sinh ra vào năm đó. Dự báo số học sinh tới trường giờ đây không khó khăn bởi chúng ta có đầy đủ số liệu thống kê hằng năm về số trẻ sinh ra trong năm. Chính nhờ số liệu thống kê này mà ngành giáo dục có thể kế hoạch hóa việc dạy học trong các trường phổ thông.
Do đặc trưng nhân khẩu học của dân cư khu vực Đông Nam Á và Đông Á, nhất là các nước mà nho giáo ảnh hưởng nhiều như Việt Nam, Trung Quốc, người Việt có thói quen mong muốn con cái họ được sinh ra vào các năm Hợi, Mùi và Thìn hơn là các năm còn lại trong mỗi vòng giáp tý. Những năm đặc biệt là có những năm thuộc vòng Thiên Can là năm Quý, năm Đinh thì số lượng những đứa trẻ được sinh ra thông thường nhiều hơn các năm khác nhất là các năm Quý Hợi, Đinh Hợi, Quý Mùi, Nhâm Thìn…
Những người sinh ra từ ngày 1.2.2003 đến 21.1.2004 có năm sinh tính theo năm dương lịch là tuổi Quý Mùi. Đó là những công dân tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Số thí sinh dự thi tốt nghiệp năm nay cao hơn năm ngoái cả trăm nghìn (vượt khoảng 10% so với hàng năm)- chiếm khoảng 20% số chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh trong năm nay.
Thí sinh kêu trời vì không thể đậu vào các trường ĐH có uy tín. Họ không được tuyển không phải vì họ kém hơn học sinh lớp 12 năm ngoái mà là vì Nhà nước không điều chỉnh chỉ tiêu theo cơ cấu dân số hàng năm.
Để có thể tránh được việc tuyển sinh như năm nay, Bộ GD-ĐT nên ưu ý đến xem xét cấu trúc dân số trong việc giao chỉ tiêu giáo dục ĐH và CĐ hàng năm theo tỷ lệ người thi THPT hàng năm. Về phía xã hội cũng nên thay đổi cách nhìn nhận sinh con vào các năm theo quan niệm dân gian.
Thay đổi bao giờ cũng không đơn giản, nhất là thay đổi một thói quen nhưng nếu chúng ta không bắt đầu từ hôm nay thì đừng mong có một kết quả tốt hơn vào những ngày hôm sau.
Hiện tại chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của các trường, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh của năm trước.
Trước thực tế đang diễn ra, nhiều ý kiến ủng hộ cần tính toán giao chỉ tiêu tuyển sinh kết hợp giữa năng lực tuyển sinh của các trường đại học với những đặc trưng dân số học.