Wednesday, November 27, 2024

Điều tra các dự án sai phạm tại núi Chín Khúc



Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tiếp tục điều tra vụ án liên quan đến các dự án sai phạm tại núi Chín Khúc.

Điều tra các dự án sai phạm tại núi Chín Khúc

 

Ngày 19.9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến các dự án sai phạm tại núi Chín Khúc (TP.Nha Trang).
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án vào ngày 8.6 vừa qua, với 3 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, gồm: Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh (cùng là nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Lê Mộng Điệp (nguyên Giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa). Mới nhất là ngày 17.9, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Dẽ cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Tùy tiện xẻ núi

Núi Chín Khúc nằm phía tây TP.Nha Trang, có độ cao hơn 500 m so với mực nước biển. Đây là dãy núi đẹp, hùng vĩ, là một phần biểu tượng cảnh quan của TP.Nha Trang. Thế nhưng, thời gian qua trên núi Chín Khúc được cấp phép làm nhiều dự án khiến núi bị biến dạng nghiêm trọng.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, cho biết: “Khi làm dự án trên núi Chín Khúc, Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa không được mời tham dự góp ý. Núi Chín Khúc có vai trò rất quan trọng đối với đô thị loại 1 như Nha Trang, được xem là lá phổi, điều tiết hệ sinh thái, làm giàu cảnh quan cho phố biển Nha Trang. Tôi rất tiếc vì núi bị đào bới mà không có quy hoạch, đánh giá bài bản”.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trên núi Chín Khúc hiện có 5 dự án đang triển khai. Trong số các dự án này, có 2 dự án là Cửu Long Sơn Tự (513,3 ha) và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung (gần 20 ha) được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi có liên quan nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trước đây. Riêng dự án Cửu Long Sơn Tự nằm trên đỉnh cao nhất của núi Chín Khúc. Để làm được dự án này, việc mở đường đã làm biến dạng cả ngọn núi, thường trực nguy cơ sạt lở nghiêm trọng.

 

Để thực hiện dự án Cửu Long Sơn Tự, chủ đầu tư là Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (trụ sở TP.Nha Trang) đã mở đường, xới nhiều đoạn núi để tạo nên con đường vòng vèo lên đỉnh núi như hiện nay. Để lên được tận đỉnh dự án, chỉ có xe ô tô loại 2 cầu mới “bò” lên đến nơi, còn các loại xe khách thì “chào thua”. Vậy nên, nhiều người không hiểu vì sao chủ đầu tư lại chọn nơi đây làm dự án, liệu có hiệu quả kinh tế? Theo chủ đầu tư, dự án này được thi công từ năm 2018, nhằm biến nơi đây thành một quần thể tâm linh, trên đỉnh cao chính giữa dãy núi là tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát cao 143 m, đặt trên đỉnh với độ cao 593 m so với mực nước biển.
Mục đích chính của dự án này được chủ đầu tư cho biết sẽ là dự án tâm linh, kết hợp trồng rừng và dược liệu, vì cộng đồng và không tính toán lợi nhuận, tạo thêm sản phẩm du lịch tâm linh thuần túy cho Khánh Hòa. Thế nhưng, khi triển khai dự án, do phải đào đường ngoằn ngoèo nên chủ đầu tư buộc phải xẻ núi lấy đi một khối lượng đất đá rất lớn. Khi những vết núi bị xẻ đã để lộ ra các “vết thương” hằn vào lưng núi. Vậy nên, đối với người dân Nha Trang, sau khi núi mới bị đào bới còn ngổn ngang, mỗi lần ngước lên đỉnh Chín Khúc không khỏi xót xa, bởi hình ảnh ngọn núi xưa nay không còn nguyên vẹn, dù biết rằng mục đích làm dự án là “vì cộng đồng, làm giàu thêm cho sản phẩm du lịch”.
Trong năm 2019, khi dự án Cửu Long Sơn Tự đã làm đường lên tận đỉnh núi thì báo chí lên tiếng phản ánh. Theo đó, pháp lý triển khai dự án chưa hoàn thiện, nhưng chủ đầu tư đã đào bới, xẻ núi nham nhở. Nghiêm trọng nhất là việc dự án chưa lập hồ sơ thiết kế, chưa có các biện pháp kỹ thuật tác động lên diện tích được giao để thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy định; chưa thực hiện làm đường ranh cản lửa theo hồ sơ báo cáo dự án đầu tư đã được thẩm định; chưa xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng đối với diện tích đất được giao để trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng…
Sau khi báo chí phản ánh, Chính phủ đã có chỉ đạo kiểm tra vụ việc. Trong năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các nhà đầu tư tạm dừng toàn bộ dự án triển khai trên núi Chín Khúc cho đến khi hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định. Qua rà soát, UBND tỉnh này nhận thấy, các dự án tại núi Chín Khúc triển khai qua nhiều giai đoạn, kéo dài và có các thiếu sót trong quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường.
Vào thời điểm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương trồng cây, phủ xanh các khoảng đất trống do bị mất đi thảm thực vật trong quá trình thi công làm đường lên núi Chín Khúc. Từ đó đến nay, dự án này “đứng bánh”, ngoài việc chủ đầu tư triển khai trồng cây xanh, phủ khoảng trống trắng xóa do quá trình đào đường gây ra. Dù màu xanh đã phần nào trở lại, nhưng vết hằn trên núi Chín Khúc vẫn còn rất nham nhở.
Điều tra các dự án sai phạm tại núi Chín Khúc

Các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Lê Mộng Điệp và Lê Văn Dẽ (từ trái sang)

Vi phạm pháp luật về đất đai

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, dự án Cửu Long Sơn Tự được cho chủ trương đầu tư từ 2009, và trong khoảng từ năm 2009 – 2015 đã qua 4 lần điều chỉnh. Sau khi có chủ trương đầu tư, chủ đầu tư nhanh chóng mở đường lên đỉnh Chín Khúc. Tại dự án này chưa triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, nhưng nhà đầu tư đã san ủi với tổng diện tích 44 ha, trong đó diện tích san ủi mở đường là 7 ha. Nghiêm trọng hơn, dự án Cửu Long Sơn Tự chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất ở, nhưng trong quyết định giao đất năm 2015 của tỉnh Khánh Hòa có 7.500 m2 thể hiện là đất ở.
Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung được cho chủ trương đầu tư từ năm 2011. Dự án bao gồm đất xây dựng biệt thự 5,2 ha, đất dịch vụ thương mại hơn 3.800 m2, đất giao thông, bãi đỗ xe 4,7 ha và đất công viên cây xanh 8 ha… Dù chưa có giấy phép xây dựng, chưa hoàn thiện một số thủ tục cần thiết nhưng chủ đầu tư đã triển khai san ủi, làm các hạng mục dự án. Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đa số các dự án trên núi Chín Khúc đều là đất rừng sản xuất, chỉ có rất ít diện tích đất ngoài lâm nghiệp.
Các dự án trên núi Chín Khúc đều được ký trong khoảng thời gian 2010 – 2019, trong đó ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (giai đoạn 2010 – 2015) ký nhiều dự án. Quá trình triển khai về mặt thủ tục đất đai, xây dựng có liên đới trách nhiệm đến các ông: Lê Đức Vinh, Lê Mộng Điệp, Lê Văn Dẽ.
Trong năm 2019, tỉnh Khánh Hòa có báo cáo Chính phủ về các dự án trên núi Chín Khúc. Tại thời điểm này, địa phương thừa nhận việc thi công xây dựng, san nền địa hình, san nền dự án không đúng theo nội dung đã được cấp phép hoặc chưa được cấp phép và việc tuân thủ các quy định của pháp luật đối với quản lý, sử dụng đất. Sau khi sự việc vỡ lỡ, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai các biện pháp khắc phục, tạm dừng thi công dự án.
Để khắc phục những dự án “chưa tốt” trên núi Chín Khúc, năm 2019 UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định thu hồi hơn 370 ha đất của Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa thực hiện dự án trên núi Chín Khúc. Theo quyết định thu hồi đất, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết lý do thu hồi đất “do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất vì không còn nhu cầu sử dụng”.

 

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img