“Mẹ ơi con đã già rồi/ Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con/ Mẹ ơi con đã già rồi/ Con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa/ Ngày xưa cha ngồi uống rượu/Mẹ ngồi đan áo/ Ngoài kia, mùa Đông cây bàng lá đổ…” (Lời ca khúc Mẹ tôi – Nhạc sĩ Trần Tiến).
Một giọng nam trầm quyện cùng tiếng ghi ta cất lên từ ban công một ngôi nhà nào đó đã níu bước chân con lại trên vỉa hè. Khóe mắt con chợt cay xè: Mẹ!
Một tiếng gọi giản đơn nhưng chất chứa biết bao niềm xúc cảm thiêng liêng mà gần gũi. Đã bao lâu rồi con chưa về bên mẹ, chưa được dụi đầu vào ngực mẹ để được yêu chiều, nũng nịu, chưa được cầm đôi bàn tay gầy gầy xương xương của mẹ áp lên má mình để cảm nhận hơi ấm thân quen từ đôi bàn tay ấy. Đôi bàn tay chai sạn đã tảo tần nuôi con lớn khôn.
Mẹ đã mang con đến với thế giới này và dành cho con tất cả tình yêu thương đong đầy, trọn vẹn. Trong ký ức tuổi thơ con, vì đặc thù công việc nên bố quanh năm công tác xa nhà, hết các tỉnh miền Tây Bắc xa xôi lại đến vùng Cao Nguyên hẻo lánh. Thời gian bố mẹ sống gần nhau chỉ là những ngày phép ngắn ngủi của bố. Trong ngôi nhà nhỏ bé, mẹ vừa là cha, vừa là mẹ của chúng con. Đồng lương giáo viên ít ỏi trong thời kì bao cấp không đủ để mẹ trang trải cho cuộc sống gia đình và việc học hành của bốn anh em con. Vậy mà mẹ đã tảo tần, bươn chải, bao gian khó nhọc nhằn mẹ đã vượt qua tất cả để nuôi dạy chúng con nên người.
Con đã lớn lên dưới mái nhà đơn sơ bằng sự chở che và chăm sóc từ đôi bàn tay vén khéo của mẹ. Làm sao con có thể quên được những hôm từ trường về đến nhà, bỏ chiếc cặp xuống thay vội bộ quần áo, búi lại mái tóc dài gọn ghẽ sau gáy mẹ đã vội vã ra chuồng thăm mấy con heo. Làm sao con có thể quên được những trưa hè nắng chói chang, khuôn mặt đỏ bừng, chiếc áo tím màu hoa cà ướt đẫm mồ hôi, mẹ gò lưng trên chiếc xe đạp cũ đi hết chợ Huyện đến chợ làng với những bao tải lạc chất cao ngang đầu để có thêm thu nhập.
Làm sao con có thể quên được những đêm đông buốt giá chợt giật mình thức giấc, mẹ vẫn ngồi đấy cặm cụi bên chiếc đèn dầu leo lét, bóng dáng cần mẫn in trên tường vôi, đôi tay thoăn thoắt đan từng mũi len cho khách. Làm sao con có thể quên được những trận bão lịch sử quét qua làng, một mình mẹ loay hoay cùng bốn đứa con thơ giữa bốn bề gió rít. Vậy mà mẹ đã vượt qua!
Bằng tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, con đã lớn khôn. Bỏ lại sau lưng tuổi thơ và tiếng sóng vỗ êm đềm, con về làm dâu miền sơn cước. Khi con làm mẹ rồi mới biết thương mẹ nhiều hơn. Trong giấc mơ con là hình ảnh ngôi nhà đơn sơ với bóng dáng mẹ thân thương vẫn ngày ngày chờ con bên bậu cửa. Trước cuộc sống xô bồ và đầy cạm bẫy, mẹ luôn là bến đỗ bình yên để con tìm về khi mỏi mệt. Ỏ đấy con được là chính con, con có thể gạt bỏ bao lo lắng, ưu phiền, có thể trút bỏ hết tủi hờn để được ngủ một giấc bình yên trong vòng tay chở che của mẹ.
Thời gian nghiệt ngã trôi, hạnh phúc của con được đổi bằng thanh xuân của mẹ. Con ngày một thêm cao, lưng mẹ ngày còng xuống. Đôi bàn tay ngày nào khỏe khoắn căng tràn sức thanh xuân tất bật chăm lo cho gia đình con cái, giờ đây dấu vết thời gian đã in hằn lên đôi tay ấy những đường gân chằng chịt và những nốt chai sần. Suối tóc đen dày óng ả ngày nào giờ đã nhuộm màu sương. Đôi má thanh tân đã nhuốm vị mặn của mồ hôi thành những vệt hằn năm tháng…
Giờ đây, mỗi lần về bên mẹ, chỉ cần thấy ánh mắt mẹ tươi vui và nụ cười nở trên môi mẹ là mọi nỗi buồn lo trong con tan biến hết. Hạnh phúc của con là mỗi lần trở về ngôi nhà xưa vẫn còn được nhìn thấy bóng dáng thân thương của mẹ. Hôm nay lời bài hát “Mẹ ơi con đã già rồi. Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con” đã làm con nghẹn ngào khó tả.
Con đang dần lớn hơn và chuyến tàu thời gian chở mẹ đang đi vào ga cuối. Từng phút từng giây được ở bên mẹ trở nên đáng quý biết bao nhiêu. Con muốn chuyến tàu thời gian đó quay ngược lại để con được trở về tuổi thơ bên mẹ. Mỗi mùa xuân đi qua, tóc mẹ thêm sợi bạc. Mùa xuân đi qua rồi mùa xuân sẽ lại về. Mặt trời lặn rồi mặt trời sẽ mọc. Mùa xuân vĩnh cửu với thời gian còn mẹ thì không nhưng tình yêu bao la của mẹ dành cho con chính là tình yêu vĩnh cửu.
Mẹ mãi là mặt trời trong trái tim con!
Nguồn: thanhnien.vn