Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sau ngày 30.9 thì các công trình thi công xây dựng tại thành phố sẽ được hoạt động trở lại nếu đảm bảo được các tiêu chí an toàn. Trong đó, 3 đơn vị hành chính gồm quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ cho phép các công trình đủ điều kiện an toàn được thí điểm tổ chức thi công trở lại từ ngày 16.9 – 30.9.
Hiện UBND thành phố đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn cụ thể cho các công trình xây dựng để áp dụng trong thời gian tới. Vừa qua, nhiều công trình trọng điểm của thành phố cũng đã áp dụng các tiêu chí an toàn này như cầu Thủ Thiêm 2, metro số 1. Các công trình giao thông trọng điểm, công trình có vốn đầu tư công, công trình công cộng, công trình phát triển nhà ở thì đều phải áp dụng các tiêu chí an toàn sau ngày 30/9.
Theo ông Bình, nếu không xây dựng, không phát triển đô thị thì chắc chắn không có cơ sở vật chất để phát triển thành phố. Bởi, TP.HCM có tỷ trọng thương mại dịch vụ chiếm đến hơn 62% và hạ tầng của dịch vụ là gắn với xây dựng. Đây là thời điểm phù hợp để sắp xếp lại nhà ở cho công nhân, người lao động. Do đó thành phố phải cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này.
TP.HCM đã có bộ tiêu chí an toàn trong xây dựng
|
Bộ Xây dựng cũng đã có những hướng dẫn cụ thể với công tác phòng chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động phải thực hiện các tiêu chí an toàn mà Bộ Xây dựng đề ra. Điển hình như công trình xây dựng phải đảm bảo có nguy cơ lây nhiễm từ mức thấp trở xuống theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Công trình xây dựng phải tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế, có biện pháp thi công hợp lý để đảm bảo khoảng cách, có biện pháp thông gió khi thi công ở không gian kín, phải có nơi ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo an toàn… Ngoài ra, người lao động khi đến làm việc tại công trình phải luôn tuân thủ 5K, sức khỏe tốt, không thuộc đối tượng cách ly y tế, không che giấu khi có biểu hiện nghi mắc Covid-19.