Bảng thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trên cả nước đang tồn tại các loại hình dạy học khác nhau: có nơi dạy học trực tiếp hoàn toàn do dịch Covid-19 được kiểm soát tốt; có nơi kết hợp cả 3 loại hình là dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy học qua truyền hình; nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, chỉ dạy học trực tuyến là chủ yếu và kết hợp dạy học qua truyền hình.
Cụ thể, 25 tỉnh, thành toàn bộ học sinh may mắn được đến trường học trực tiếp gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Cao Bằng, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
Tất cả học sinh Thái Bình may mắn được đến trường
|
Có 14 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thừa Thiên – Huế.
Còn lại 24 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh và TP.HCM.
Thống kê tình hình dạy học ở các địa phương tính đến ngày 19.9 của Bộ GD-ĐT
|
Linh động xây dựng kế hoạch dạy học ứng phó với dịch bệnh
Trong tuần trước, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, có nhiều nội dung được tinh giản, không bắt buộc học sinh phải thực hiện và không kiểm tra, đánh giá nhằm giảm áp lực cho học sinh và các nhà trường.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới đây cũng đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19.
Theo đó, đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lý thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập.
Đối với lớp 1, lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này, khi học sinh đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.
Bắc Ninh là một trong những tỉnh kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến theo khối lớp, trong đó ưu tiên học sinh lớp 1 đến trường
|
Đối với lớp 3 đến lớp 12, tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi.
Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đề nghị cần tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Ghi nhận cho thấy các địa phương đang tổ chức dạy học trực tiếp, tùy vào điều kiện thực tế đã cố gắng tận dụng tối đa thời gian học sinh được đến trường, nhiều nơi tăng ca, tổ chức dạy học cả vào ngày nghỉ cuối tuần để tận dụng tối đa “thời gian vàng” dạy học trực tiếp.