Tuesday, November 26, 2024

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu đã tổ chức “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường” cho các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội của các tỉnh phía Bắc.

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Mai Kim Liên phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Biến đổi khí hậu, đại diện các cơ quan và tổ chức của các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Phú Thọ, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Mai Kim Liên cho biết, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi, nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Luật Bảo vệ môi trường 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu với cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cơ sở để quản lý các hoạt động phát thải khí nhà kính, tiền đề phát triển thị trường các-bon; thực hiện các biện pháp quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam tham gia là thành viên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Nhằm triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản thi hành Luật, Cục Biến đổi khí hậu đã tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về biến đổi khí hậu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về quy định pháp luật ứng phó biến đổi khí hậu

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ các nội dung cụ thể về: Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và các quy định pháp luật đã được ban hành; các quy định về thích ứng biến đổi khí hậu; các quy định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn; triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Lộ trình quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính và các quy định pháp luật cụ thể; phát triển thị trường các bon tại Việt Nam…

Đại diện các cơ quan quản lý nhà, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp đã cùng thảo luận về thực tiễn triển khai các quy định pháp luật tại địa phương, cơ sở. Với những vấn đề còn vướng mắc khó khăn, cán bộ Cục Biến đổi khí hậu đã giải đáp, hướng dẫn cụ thể để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img