Định hướng của Chính phủ về phát triển ngành du lịch VN tóm tắt thành khẩu hiệu: “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Không phải ngẫu nhiên mà tiêu chí sản phẩm lại được đưa lên hàng đầu.
Cạnh tranh bằng đa dạng hóa sản phẩm
VN sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải ghen tị. Tuy nhiên, việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch lại chưa được chú trọng. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, người đứng đầu ngành du lịch VN, thừa nhận các điểm đến hiện nay còn thiếu sức hút du khách, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có sẵn mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần. Hệ thống sản phẩm, dịch vụ tại nhiều địa phương đã được đầu tư đa dạng, đẳng cấp hơn nhưng vẫn chưa được nhân rộng, phổ biến, chưa tạo được sức hút kéo khách đến hoặc quay trở lại, chi tiêu nhiều.
Theo Tổng cục Thống kê, chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đến VN mặc dù có sự tăng trưởng trong giai đoạn 2009 – 2019, từ 91,2 USD lên mức 117,8 USD nhưng vẫn ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GDP theo tầm nhìn đến năm 2030, đa dạng hóa hệ thống sản phẩm đẳng cấp, đặc sắc là nhiệm vụ được đặt ra hàng đầu.
Bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World – Tập đoàn Sun Group, khẳng định: Phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc đang trở thành một xu hướng không thể cưỡng lại. Một điểm đến dù đẹp tới đâu, ở tầm thế giới như Hạ Long và Bái Tử Long; một cộng đồng dù giàu truyền thống thế nào, nếu chỉ dừng lại ở việc trải nghiệm các tài nguyên sẵn có, cũng sẽ trở nên nhàm chán rất nhanh với du khách. Phần lớn khách du lịch hiện nay không chỉ tìm kiếm một chuyến đi mà là một trải nghiệm. Trải nghiệm đó càng phong phú, chất lượng thì càng khiến du khách thích thú, muốn trở lại khám phá tiếp và không ngần ngại “mở hầu bao”.
Dẫn câu chuyện của các cường quốc du lịch trên thế giới, bà Trần Nguyện phân tích: Du lịch Thái Lan rất biết cách nâng tầm trải nghiệm cho du khách, tạo ra những sản phẩm có sức hút. Tại Bangkok, một đô thị không có nhiều lợi thế về tài nguyên rừng, biển nhưng lại tạo ra không ít “đặc sản”. Đó là sản phẩm du lịch đa dạng từ ẩm thực, tâm linh đến sinh thái… và cả các quần thể thương mại – sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao. Các tổ hợp mua sắm kết hợp vui chơi giải trí, nhà hàng sang trọng như Icon Siam, Asiatique, Siam Paragon… đều sở hữu màu sắc độc đáo, riêng biệt, tạo điểm nhấn hút khách.
Hay câu chuyện phát triển “thần kỳ” của du lịch Hàn Quốc cũng là dẫn chứng. Với việc dùng sản phẩm văn hóa để nâng tầm điểm đến, làn sóng “Hàn lưu” – Hallyu đã góp phần kích cầu du lịch đặc biệt hiệu quả. Theo khảo sát hậu lễ hội âm nhạc Kpop tại Pháp, có tới 9/10 người bày tỏ mong muốn đến Hàn Quốc du lịch, 75% trong số đó đã lập tức lên kế hoạch cho chuyến đi. Croatia sở hữu một tài sản du lịch khiến cả thế giới phải ghen tị. Song, chính người Croatia, khi đại dịch Covid-19 qua đi, đang hiểu rằng mình không thể sống mãi bằng sự nổi tiếng của một di sản UNESCO. Mới nhất, tại các vùng Địa Trung Hải và Caribê, bất chấp tài nguyên thiên nhiên giàu có, các quốc gia đều đang đổ thêm nhiều tỉ USD để phát triển các sản phẩm du lịch mới.
“Từ hình mẫu thành công của các nước, có thể thấy sản phẩm du lịch tốt sẽ tạo dựng chỗ đứng cho điểm đến. Ngay cả ở những điểm đến hàng đầu thế giới, những vùng đất mang tính biểu tượng, các chính phủ từ lâu đã xác định một chiến lược lâu dài: đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chúng ta hay nói ngành du lịch VN yếu khâu xúc tiến, quảng bá, nhưng thực chất các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu có sẵn nền tảng từ sản phẩm tốt”, đại diện Sun Group nhận định.
Mảng nào cũng lợi thế nhưng đầy những khoảng trống
Bàn về câu chuyện đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, nâng cấp dịch vụ ngành du lịch, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN (TAB), đánh giá đây là vấn đề đã được đặt ra từ cách đây nhiều chục năm và ngành du lịch VN cũng đã ghi nhận được những bước tiến nhất định. Về du lịch biển, trước Vinpearl Nha Trang, VN gần như chưa có khái niệm “resort” đúng nghĩa. Thế nhưng hiện nay, dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, hệ thống resort, khách sạn nghỉ dưỡng biển phát triển vượt bậc.
Đó đều là những khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khách sạn chất lượng. Mảng công viên trải nghiệm cũng ghi nhận sự phát triển đột phá với sự ra đời của những điểm đến ấn tượng như Bà Nà Hill ở Đà Nẵng, tổ hợp Sun World Ba Den Mountain ở Tây Ninh, Sun World Fansipan Legend ở Sa Pa (Lào Cai)… Hệ thống sản phẩm mảng tổ hợp vui chơi, giải trí đa dạng, hấp dẫn nhưng “búa tạ” thì chưa có, thiếu những “hàng khủng” đủ sức cạnh tranh với Disneyland hay Universal Studios của Singapore. Theo ông Nam, nếu lấp được khoảng trống này thì sức hút sẽ tăng hơn rất nhiều.
Trong khi đó, VN có rất nhiều lợi thế để phát triển mảng du lịch biển cao cấp, du thuyền hút giới siêu giàu, nhưng hiện nay gần như đang để trống hoàn toàn. Các hoạt động về du thuyền hạng sang gần như bằng 0. Tương tự, các lễ hội, festival ở nhiều nước là những sản phẩm có sức hấp dẫn rất mạnh, như lễ hội Carnival của Brazil, lễ hội bò tót ở Tây Ban Nha, lễ hội bia ở Đức hay mùa hoa anh đào ở Nhật Bản mỗi năm thu hút hàng triệu du khách, “bắt” khách quốc tế phải lên kế hoạch đến đất nước đó, vào dịp đó. VN mỗi năm có hàng ngàn lễ hội từ nhỏ đến lớn nhưng chưa lễ hội nào tạo ra được sức hút tầm quốc tế. Sự kiện, lễ hội trải dọc đất nước nhưng không được lên chương trình công phu, chưa được quảng bá rộng rãi và cũng chưa thực sự hấp dẫn. Từ kịch bản, chương trình tới khâu quảng bá mới chỉ dừng lại ở mức độ “làm cho dân ta xem”, chưa phải để thu hút khách quốc tế.
Tương tự, người VN ra nước ngoài dành rất nhiều thời gian đi bảo tàng. Có rất nhiều câu chuyện được kể trong bảo tàng mà du khách muốn nghe. Một bảo tàng cà phê nhỏ hay bảo tàng đường sắt ở Sacramento (Mỹ) chỉ với những đầu máy, toa xe cổ cũng được làm vô cùng hấp dẫn. Trong khi VN bảo tàng nhiều nhưng số lượng bảo tàng có sức hút chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta có thế mạnh về di tích chiến tranh, có những trận đánh lừng danh thế giới, thậm chí tạo nên thương hiệu của VN nhưng lại chưa có công nghệ, chưa tạo thành sản phẩm để biến lợi thế đó thành thương hiệu du lịch chiến tranh có sức hút.
“Dẫn vài ví dụ cụ thể như vậy để thấy, bàn về câu chuyện sản phẩm, phải đi vào từng mảng nhỏ để xem cái nào chúng ta đã làm tốt rồi thì tiếp tục phát huy; những mảng nào còn trống thì xem có cơ hội phát triển hay không, nếu có thì phải làm những gì. Phát triển sản phẩm du lịch phải có chương trình quốc gia, có những người cụ thể làm đề án chi tiết, phân vai rõ ràng cho từng bộ, ngành phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì, địa phương làm gì, nhà đầu tư làm gì… Quan trọng nhất, khi các doanh nghiệp thoải mái sáng tạo, đề xuất ý tưởng đầu tư thì từ cấp địa phương tới T.Ư phải cổ vũ, tạo điều kiện, trải thảm đỏ, khuyến khích biến ý tưởng thành sản phẩm độc đáo, hấp dẫn”, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
Khu vực phía bắc VN có mùa đông nên nhiều địa phương phát triển du lịch chỉ tập trung vào 3 tháng hè. Như vậy thì kinh tế du lịch không ổn định, chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ cũng khó duy trì. Để thực sự có hệ thống sản phẩm đa dạng, dịch vụ tốt thì kinh doanh du lịch phải là kinh doanh quanh năm. Vịnh Hạ Long trước đây cũng chỉ là 1 điểm đến du lịch hè nhưng Quảng Ninh đã tạo ra được nhiều sản phẩm mùa đông như tắm Onsen. Các địa phương cũng phải làm như vậy. Mùa đông miền Bắc không quá rét như Hàn Quốc, Nhật Bản, lại không nóng như phía nam nên rất có lợi thế phát triển du lịch golf, tạo nên sản phẩm “trái mùa”. Đa dạng hóa sản phẩm để quanh năm có hoạt động du lịch là mấu chốt để địa phương tăng tỷ trọng kinh tế du lịch, dịch vụ ổn định, bền vững.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN (TAB)
Nguồn: thanhnien.vn