(Tạp chí Du lịch) – Sau hơn một năm mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch kế từ ngày 15/3/2022, đến nay, 95% cơ sở lưu trú đã trở lại hoạt động bình thường. Lực lượng lao động trực tiếp đã phục hồi, đáp ứng hơn 70% nhu cầu. Các cơ sở lưu trú du lịch nhìn chung đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
Thực trạng cơ sở lưu trú du lịch
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) có tại tất cả các tỉnh, thành trong toàn quốc với sự phát triển mạnh về số lượng, chất lượng; tạo cơ sở vật chất cho ngành Du lịch, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực lưu trú tập trung vào các khu nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi. Bên cạnh khách sạn và nhà nghỉ du lịch, còn có căn hộ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), biệt thự du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, bãi cắm trại du lịch. Số cơ sở có quy mô lớn tăng, góp phần phát triển hoạt động MICE và phục vụ được các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế. Mạng lưới nhà dân cung ứng qua hệ thống Airbnb chiếm tỷ lệ ngày càng cao, làm tăng cung và cạnh tranh mạnh mẽ với các CSLTDL truyền thống. Mô hình chia sẻ kỳ nghỉ áp dụng nhiều với loại hình căn hộ và biệt thự du lịch.
Các CSLTDL đã mở rộng dịch vụ bổ sung như chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sắc đẹp, thể thao, phục vụ hội nghị, hội thảo, vui chơi giải trí… Cùng với những tập đoàn lớn có thương hiệu trên thế giới từ nhiều năm như Hyatt, Intercontinental, Accor, Sheraton, Hilton, IHG, đã có sự lớn mạnh của các tập đoàn do người Việt đầu tư quản lý, hình thành những thương hiệu Việt nổi tiếng như Vinpearl, Saigontourist, Flamingo… Hoạt động du lịch cộng đồng, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được đẩy mạnh ở vùng sâu, vùng xa, tạo việc làm, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.
“Gian đoạn 2011-2020, CSLTDL tại Việt Nam tăng hơn 2,9 lần (tăng từ 13.000 cơ sở với 265.000 buồng lên 38.000 cơ sở với 780.000 buồng). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 37.000 CSLTDL với hơn 702.000 buồng; giảm 3% số cơ sở và giảm 10% số buồng so với năm 2020. Từ khi áp dụng Luật Du lịch 2017, tỷ lệ CSLTDL đăng ký xếp hạng giảm dần, đủ điều kiện hoạt động tăng dần, hạng 3, 4, 5 sao tăng và hạng 1-2 sao có xu hướng giảm” – Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ.
Trong 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, 95% CSLTDL bị đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Đến năm 2022, CSLTDL được đón khách bình thường từ tháng 3 nhưng chất lượng bị giảm do cơ sở vật chất kỹ thuật bị hư hại sau thời gian dài đóng cửa; thiếu hụt lao động, nhất là lao động giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm lâu năm. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bị thiếu dòng tiền, công suất rất thấp nên thiếu nguồn để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và khó trả lương nhân viên. Đến nay, 95% cơ sở lưu trú hiện có đã hoạt động bình thường; số còn lại do đặc thù chuyên đón khách quốc tế nên vẫn chưa hoạt động lại hoặc đang tiến hành đầu tư nâng cấp. Công suất sử dụng buồng bình quân giảm dần qua các năm, năm 2019 là 52%, năm 2022 chỉ còn 30%, quý 1 năm 2023 khoảng 35%.
Lực lượng lao động trực tiếp khối CSLTDL hiện nay chưa đến 400.000 người, chỉ đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất trung bình dưới 40% (định mức chưa tới 0,6 lao động/buồng). Tại các CSLTDL đủ điều kiện, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng. Đặc biệt thiếu nhân sự lúc cao điểm như nghi lễ, Tết. Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu lao động có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao; mất cân đối theo vùng/miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Các cơ quan quản lý và cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch đã có nhiều cố gắng; ph���n lớn các cơ sở kinh doanh lưu trú chấp hành nghiêm quy định pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa đáp ứng đầy đủ quy định như về phòng cháy – chữa cháy, bảo vệ môi trường; việc phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, chưa đạt hiệu quả. Việc thông báo về thời gian bắt đầu hoạt động và các báo cáo định kỳ theo quy định của cơ sở chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch quảng cáo sai loại hạng hoặc quảng cáo hạng sao khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền công nhận, đặc biệt quảng bá trên mạng, gây hiểu lầm về chất lượng dịch vụ.
Hoạt động quản lý nhà nước được đảm bảo
Thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động lưu trú du lịch vẫn được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý nhà nước phù hợp với tình hình mới. “Từ năm 2018, việc quản lý CSLTDL thực hiện theo Luật Du lịch 2017 với các quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ cho từng bên tham gia, cùng các văn bản hướng dẫn: Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 34/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Nghị định 142/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, còn có những văn bản quản lý liên quan đến lưu trú do các Bộ, ngành khác ban hành” – Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, Luật Du lịch 2017 tạo điều kiện cho đầu tư kinh doanh lưu trú du lịch, tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch địa phương và tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch. “Việc xếp hạng CSLTDL chuyển từ yêu cầu bắt buộc sang tự nguyện, tạo chủ động cho cơ sở lưu trú. Luật Du lịch cũng quy định các Sở quản lý du lịch địa phương thực hiện xếp hạng CSLTDL 3 sao trở xuống và kiểm tra điều kiện. Điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch cũng được giảm ở tất cả các loại hình” – Tổng cục trưởng nhận định.
Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, hoạt động quản lý nhà nước còn được thực hiện đảm bảo qua việc soát xét và xây dựng mới các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, biệt thự du lịch; xây dựng mới tiêu chuẩn địa điểm du lịch MICE áp dụng cho khách sạn. Trước đại dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch đã tổ chức kiểm tra các CSLTDL đã xếp hạng, thu hồi quyết định công nhận hạng của một số cơ sở không duy trì chất lượng; thông báo và đưa ra khỏi danh sách cơ sở đã xếp hạng những CSLTDL có Quyết định công nhận hạng hết hiệu lực thi hành. Đặc biệt, giai đoạn 2020- 2021 đã ban hành các văn bản hướng dẫn CSLTDL thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; kiểm tra, nhắc nhở phòng, chống đại dịch COVID-19 ở một số địa bàn trọng điểm du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh…
Dù hoạt động quản lý nhà nước về CSLTDL vẫn được thực hiện đảm bảo thời gian qua, tuy nhiện, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục: một số địa phương chưa phổ biến, hướng dẫn đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; một số địa phương có biên chế cán bộ quản lý du lịch rất ít, còn cán bộ chưa được đào tạo nghiệp vụ du lịch, thiếu phương tiện hỗ trợ công tác quản lý. Do số lượng CSLTDL rất nhiều, lực lượng cán bộ tại địa phương mỏng nên việc kiểm tra điều kiện kinh doanh phải tiến hành từng bước. Chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho CSLTDL như giá điện, giá thuê đất, lao động mất việc và giảm thu nhập do COVID-19… Hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách vẫn còn tồn tại, còn xảy ra tai nạn giao thông cho du khách, mất đồ trong quá trình lưu trú.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để đảm bảo chất lượng cơ sở lưu trú du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng cơ sở lưu trú du lịch tại các địa phương trong toàn quốc; đặc biệt là đối với cơ sở lưu trú đã được xếp hạng, cơ sở lưu trú quảng bá không đúng hạng hoặc chưa được các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Về lâu dài, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch; các quy định, tiêu chuẩn đối với hoạt động lưu trú du lịch. Yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch thực hiện, duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng sao đã được công nhận. Kiểm tra, giám sát chất lượng thường xuyên nhằm duy trì, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, nhân lực, đảm bảo vệ sinh, đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn hiện hành. Hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị khách sạn, kỹ năng nghề cho cán bộ quản lý và nhân viên cơ sở lưu trú du lịch. Các địa phương có kế hoạch và dành kinh phí hỗ trợ công tác bồi dưỡng nghiệp vụ nhân lực các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về lưu trú du lịch, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân cung cấp dịch vụ lưu trú du lịch chất lượng tốt, được khách du lịch đánh giá cao; phối hợp Ban Thư ký ASEAN trao giải thưởng du lịch ASEAN hàng năm.
Đình Phong
Nguồn: vtr.org.vn