Monday, November 25, 2024

Nam Định: Quyết liệt thực hiện kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa

Trước tình trạng rác thải nhựa gây nguy cơ ô nhiễm lớn, tỉnh Nam Định đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, biện pháp tổng thể để xử lý vấn nạn này.

Nỗ lực …

Theo Sở TNMT: Hiện nay mỗi ngày tỉnh Nam Định phát sinh trên 980 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó lượng rác thải nhựa phát sinh ước tính khoảng 196 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực thành phố mới đạt khoảng 95,5%; tại khu vực nông thôn mới đạt 89,5%; chỉ một số ít rác thải nhựa được tái chế, tận dụng, ngoài ra, vẫn còn lượng lớn rác thải nhựa bị thải trực tiếp ra môi trường và trôi ra biển.

Để chống ô nhiễm nhựa, những năm qua tỉnh Nam Định đã rất nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, biện pháp. Tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Tỉnh cũng phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Hàng năm các ngành, các địa phương trong tỉnh duy trì các đợt ra quân vệ sinh môi trường, phân loại rác thải nhựa, xóa các “điểm đen” về rác thải. Các địa phương đã chú trọng kiểm soát, xử lý tình trạng vứt bỏ rác thải nhựa bừa bãi ra ngoài môi trường thông qua các hoạt động đẩy mạnh thu vớt, dọn dẹp rác thải nhựa. Tăng cường giám sát, xử lý vi phạm vứt túi nilon, rác thải nhựa bừa bãi ra các tuyến đường giao thông, bãi đất trống, các tuyến sông, kênh. Thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, tăng cường vận động người dân thực hiện phân loại rác ngay tại các hộ gia đình.

Nam Định: Quyết liệt thực hiện kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa
Nam Định mỗi ngày phát sinh trên 980 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó lượng rác thải nhựa phát sinh ước tính khoảng 196 tấn/ngày (ảnh minh họa)

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Đến nay, toàn tỉnh có 195/226 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 77,8%) đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn và thực hiện giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Góp phần giảm 30-50% lượng rác thải đưa đi xử lý, trong đó có một lượng đáng kể là rác thải nhựa.

Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cũng phát sinh rác thải nhựa nguy hại là các bao bì, túi chứa đựng với tỷ lệ chiếm khoảng 10% so với lượng phân bón. Để hạn chế ô nhiễm môi trường từ rác thải này, các địa phương đã xây dựng các bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để thu gom, xử lý theo quy định.

Toàn tỉnh có hơn 20 nghìn bể chứa được xây ở các đường trục chính của cánh đồng, thuận tiện cho việc thu gom; các xã cũng đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã thu gom theo quy định.

Từ tháng 12-2018 đến nay, với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng với Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng”.

Qua đó, đã lắp đặt, hạ thuỷ và bàn giao cho chính quyền các địa phương vận hành 6 công cụ thu gom rác (bẫy rác) trên sông, gồm 5 bẫy rác đặt trên sông Hồng địa phận các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Điền Xá, Nam Thắng (Nam Trực), Xuân Thành (Xuân Trường), Giao Hương (Giao Thuỷ), một bẫy rác đặt trên sông Đào địa phận phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định).

Các bẫy rác đã góp phần tăng hiệu quả thu gom rác trôi nổi trên sông, giảm thiểu rác trôi ra biển và nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý rác thải rắn, rác thải nhựa, đóng góp vào hệ thống dữ liệu mạng lưới bẫy rác toàn cầu.

Nam Định: Quyết liệt thực hiện kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa
Thu gom rác tại bẫy rác trên sông Đào địa phận phường Trần Tế Xương (ảnh báo Nam Định)

… đến kiểm soát, loại bỏ rác thải nhựa trên biển

Theo tỉnh Nam Định: Trước nguy cơ ô nhiễm đại dương trên toàn cầu cũng như trong nước, những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hưởng ứng các chương trình hành động quốc tế về bảo vệ môi trường biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường quản lý, xử lý rác thải vùng biển, nhưng mới chỉ quan tâm xử lý rác thải vùng đất liền; từng bước gia tăng xử lý rác thải vùng gần bờ; riêng vùng xa bờ còn bỏ ngỏ. Công tác quản lý hoạt động vận tải biển, khai thác khoáng sản, khai thác cảng biển, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản thiếu chặt chẽ.

Để khắc phục các hạn chế, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, huy động sự tham gia của người dân tổ chức điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải có thành phần nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển để xây dựng cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của tỉnh.

Hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, quán nước ven biển, du lịch, nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ bừa bãi ngư cụ xuống biển đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển và xả thải chất thải nhựa vào nguồn nước.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; công khai danh tính những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa ra biển.

Trong lộ trình dài hơi, các huyện có biển đã xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển Quất Lâm, Thịnh Long, khu du lịch sinh thái biển Nghĩa Hưng một năm hai lần; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng.

Tăng cường đầu tư hệ thống thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường vùng ven biển; tăng cường tuyên truyền, kêu gọi và tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, các khu du lịch ven biển, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Mục tiêu của tỉnh từ nay đến năm 2025 phấn đấu: Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiếu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc quan trắc hàng năm và tiến hành đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Đáy (sông Đáy).

Nam Định: Quyết liệt thực hiện kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa
Rác thải nhựa trôi dạt vào kè biển xã Hải Triều (ảnh báo Nam Định)

Theo tỉnh Nam Định: Mục tiêu chống ô nhiễm rác thải nhựa của tỉnh cụ thể là đến năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy.

Đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img