Yên Phong nhanh chóng ban hành Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề về thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 với quyết tâm giải quyết triệt để các tồn đọng về chất thải rắn sinh hoạt, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững.
Yên Phong, điểm nóng về ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt từ nhiều năm của tỉnh. Nhiều địa bàn nằm giáp ranh các khu, cụm công nghiệp từng xảy ra hiện tượng rác chồng rác, rác tràn ra đường giao thông, xuống kênh mương nội đồng… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và gây bức xúc dư luận xã hội.
Trước thực trạng trên, Yên Phong nhanh chóng ban hành Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề về thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 với quyết tâm giải quyết triệt để các tồn đọng về chất thải rắn sinh hoạt, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững.
Đặc thù của huyện Yên Phong có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, có KCN Yên Phong I, II và CCN đa nghề Đông Thọ… thu hút hàng nghìn lượt công nhân và người lao động đến sinh sống, làm việc, khiến dân số cơ học tăng nhanh, phát sinh nhiều hệ luỵ xấu, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường khó kiểm soát. Trung bình mỗi ngày, toàn huyện phát sinh khoảng 200-250 tấn chất thải rắn sinh hoạt.
Trong khi đó, huyện chưa có khu xử lý chất thải tập trung, số lượng lò đốt công suất nhỏ ít, công suất xử lý không đáp ứng kịp lượng chất thải phát sinh, khiến ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 là kim chỉ nam cho quyết tâm hành động vì môi trường sạch của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Yên Phong.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hơn 3 năm thực hiện Đề án, Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 24 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 429 ban hành Đề án “Phát động phong trào làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm huyện Yên Phong giai đoạn 2019-2021”; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.
Đến thời điểm hiện tại, công tác bảo vệ môi trường chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường được cải thiện; nhận thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân được nâng lên, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Ông Nguyễn Văn Hoà, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Các điểm bức xúc, tồn đọng về chất thải rắn sinh hoạt cơ bản được giải quyết. Một mặt, yêu cầu các địa phương thực hiện đổ rác đúng nơi quy định, tiến hành đánh đống, phun chế phẩm sinh học, làm xẹp rác và hạn chế phát tán mùi tại các điểm tập kết trong các thôn, xóm.
Mặt khác, Phòng tham mưu với UBND huyện kiến nghị tỉnh cho chủ trương vận chuyển rác thải tồn đọng tại các điểm bức xúc về khu xử lý chất thải tập trung Phù Lãng (Quế Võ) để xử lý. Vận chuyển một phần rác thải sinh hoạt từ các điểm bức xúc về lò đốt rác thải tại thôn Nghiêm Xá, thị trấn Chờ và lò đốt tại cụm xã Long Châu – Trung Nghĩa để xử lý bằng phương pháp đốt.
Vì vậy, giảm thiểu tình trạng quá tải tại một số điểm bức xúc cho các địa phương trong huyện. Hiện nay, 2 lò đốt rác HT-2500 theo hình thức xã hội hóa tại thôn Nghiêm Xá, thị trấn Chờ và cụm xã Long Châu, Trung Nghĩa, công suất đốt khoảng 50-60 tấn/lò/ngày, đêm, cơ bản xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh của thị trấn Chờ, khu vực trung tâm huyện và một lượng rác thải của các điểm bức xúc ở các địa phương giáp KCN, CCN.
Các địa phương trong huyện cũng được tiếp nhận 1.541 thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt; 374 xe gom rác; triển khai lắp đặt các thùng chứa rác thải sinh hoạt ở các thôn, xóm, điểm công cộng, nơi tập trung đông người… góp phần cải thiện đáng kể việc phân loại rác thải, để rác thải đúng nơi quy định và thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt về điểm tập kết, từng bước tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, nâng cao ý thức của người dân trong gìn giữ môi trường chung.
Yên Phong triển khai lập, đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung huyện Yên Phong, giao Ban quản lý dự án xây dựng huyện làm chủ đầu tư.
Vị trí đầu tư xây dựng tại vị trí nhà máy xử lý nước thải tại xã Trung Nghĩa (giáp sông Ngũ Huyện Khê), diện tích khoảng 3,5 ha, công suất xử lý 10.000 m3/ngày đêm ; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 450 tỷ đồng. Nước thải sau khi xử lý đảm bảo các thông số đạt cột A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phát động các phong trào phân loại chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình; làm sạch đường làng, ngõ xóm; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, ngăn chặn tình trạng đổ, đốt chất thải không đúng quy định…
Kiến nghị tỉnh cho phép huyện vận chuyển 100 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ ngày, đêm về các Nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn tỉnh trong năm nay. Như vậy, bài toán chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng trên địa bàn huyện Yên Phong sẽ được giải quyết triệt để, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
Nguồn: moitruongvadothi.vn