Trước nhu cầu thuốc điều trị, thiết bị y tế phòng, chống dịch tăng cao tại các tỉnh phía Nam, nhiều đối tượng đã nhập lậu thuốc điều trị COVID-19, thiết bị bảo hộ y tế…
Một lô hàng vừa được vận chuyển trên chuyến bay từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài. Theo khai báo hải quan, hàng hóa là hàng mẫu và thực phẩm bổ sung, trong đó một tờ khai được mở theo loại hình phi mậu dịch, một tờ khai mở theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng hải quan đã phát hiện gần 1.500 hộp thuốc kháng virus do Ấn Độ sản xuất, đây là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, nhưng thời điểm kiểm tra doanh nghiệp không xuất trình được giấy tờ theo quy định.
Điều đáng nói, đoanh nghiệp đứng tên trên tờ khai nhập khẩu là Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Nhất Quang có trụ sở tại TP Nam Định vừa được cấp phép đăng ký kinh doanh chưa đầy một tháng.
Bà Nguyễn Phương Mai – Phó đội trưởng đội kiểm soát buôn lậu khu vực Miền Bắc – Tổng Cục Hải quan nói: “Thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, tình trạng nhập lậu thuốc tân dược, vật tư y tế có chiều hướng gia tăng. Thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng quà biếu, quà tặng qua đường bưu chính quốc tế đã khai báo hàng hóa với trị giá thấp hoặc khai sai tên hàng hóa để trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng”.
Theo đại diện Đội Kiểm soát chống buôn lậu của Cục điều tra chống buôn lậu Tổng Cục Hải quan, cùng với các loại thuốc chữa trị COVID-19 được nhập lậu từ Ấn Độ, Nga, các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch như máy thở, trang thiết bị bảo hộ y tế để phòng dịch cũng được các đối tượng tìm mọi cách để nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc. Chỉ trong vòng 9 tháng qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng trăm vụ nhập lậu thuốc tân dược và vật tư y tế. Thu giữ hàng triệu viên thuốc cùng rất nhiều vật tư y tế và dụng cụ phòng chống dịch.
Bà Nguyễn Phương Mai cho biết thêm: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát và phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành để điều tra làm rõ, xử lý trước pháp luật, ngăn chặn các vi phạm về nhập lậu tân dược cũng như thiết bị y tế”.
Theo chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, những loại thuốc nhập lậu không rõ nguồn gốc chưa được các cơ quan y tế Việt Nam cấp phép lưu hành, nếu được tiêu thụ ra thị trường có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, do đó thay vì mua các loại thuốc trôi nổi, người dân cần tuân thủ và thực hiện theo các hướng dẫn đã được ngành Y tế công bố. Trong đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn một số loại thuốc có thể sử dụng tại nhà như thuốc hạ sốt, các loại vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng… và quan trọng nhất là cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo trên mạng xã hội về thuốc điều trị COVID-19 để tránh “tiền mất, tật mang”.
Nguồn: vtv.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.