Monday, November 25, 2024

Phân loại rác thải tại nguồn là giải pháp cốt lõi trong ứng dụng kinh tế tuần hoàn

Phân loại rác thải tại nguồn là giải pháp cốt lõi trong ứng dụng kinh tế tuần hoàn, hiện đang được các quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ tái chế áp dụng.

Phân loại rác thải tại nguồn là giải pháp cốt lõi trong ứng dụng kinh tế tuần hoàn

Phân loại rác thải tại nguồn là trọng tâm chính sách quản lý rác thải rắn ở nhiều quốc gia.

Hy Lạp

Chưa đầy một năm kể từ khi hòn đảo Tilos thuộc đất nước Hy Lạp thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn mới, ông Aristoteles Chatzifountas, chủ một quán rượu địa phương, vẫn chưa thể tin được hòn đảo nơi ông sinh sống đã đóng cửa các bãi rác.

86% lượng rác thải được tái chế tại Tilos đã biến quốc đảo tự trị này thành ngôi sao sáng về kinh tế tuần hoàn tại Hy Lạp cũng như tại toàn châu Âu. Một trong những thay đổi đột phá về chính sách đóng góp cho tỷ lệ này là việc bắt buộc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Chatzifountas cho biết, ông cùng những người dân xung quanh mất khoảng 1 tháng để vứt rác thải vào 3 thùng rác, bao gồm thùng đựng rác tái chế; thùng đựng rác thực phẩm và thùng đựng các loại rác thải khác.

Việc thu gom rác thải được chính quyền Tilos giao cho một liên minh doanh nghiệp tư nhân là Polygreen. Liên minh này cử các công nhân đến thu gom rác tại Tilos vài lần mỗi tuần, sau đó tiếp tục phân loại thủ công và bán với giá cao cho các công ty tái chế.

Đức

Tại Đức, quốc gia dẫn đầu châu Âu về tỷ lệ tái chế, việc phân loại rác thải tại nguồn cũng được áp dụng một cách bắt buộc. Với khung chính sách thúc đẩy tái chế và kinh tế tuần hoàn được ban hành từ rất sớm, hệ thống phân loại rác thải tại nguồn ở Đức tương đối phức tạp so với nhiều quốc gia khác.

Thông thường, mỗi hộ gia đình tại Đức phải làm quen với 5 thùng rác: Thùng màu xanh lam dành cho giấy và bìa cứng; thùng màu vàng cho rác thải nhựa và kim loại; thùng màu nâu cho rác thải hữu cơ; thùng màu xám dành cho rác không có giá trị tái chế; thùng đựng rác thải thủy tinh.

Bên cạnh đó, một số loại rác thải không được coi là rác sinh hoạt tại Đức, có thể kể đến như các loại pin và đồ điện tử. Đối với rác thải loại này, Đức thiết lập các cơ sở thu gom ở siêu thị và cửa hàng điện tử để doanh nghiệp có thể thu hồi lại theo đúng quy định của công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Ngoài ra, đối với nhiều loạt bao bì, thay vì bỏ vào thùng rác, người dân Đức cũng có thể trả lại tại các máy đặt cọc – hoàn trả.

Đối với rác thải cỡ lớn như đồ nội thất, vật liệu xây dựng… người Đức đem tới các trung tâm tái chế. Tính riêng tại thủ đô Berlin, có tới 17 trung tâm tái chế đang hoạt động, sẵn sàng nhận hầu như mọi loại vật liệu thải bỏ từ người tiêu dùng.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, việc phân loại rác thải tại nguồn được triển khai từ năm 1995. Giống như nhiều quốc gia khác, Hàn Quốc quy định chia chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, bao gồm rác tái chế, rác thực phẩm và rác sinh hoạt khác. Mỗi loại rác có một túi đựng riêng và phí thu gom rác thải được thu dựa trên bán những chiếc túi này.

Tuy nhiên, không phải cứ vứt rác vào đúng túi quy định là xong việc. Chính quyền Hàn Quốc yêu cầu người dân phải rửa sạch rác thải tái chế trước khi vứt bỏ. Nếu chưa được rửa sạch, những rác thải này dù có giá trị cao cũng sẽ được xem là rác thông thường và người xả thải sẽ bị phạt nếu để chúng vào túi rác tái chế.

Đối với rác thải điện tử, pin và bóng đèn, Hàn Quốc thiết lập những điểm thu gom tiện lợi tại siêu thị, trung tâm dân cư hoặc viện dưỡng lão. Tuy nhiên, rác thải loại này phải ở tình trạng còn nguyên vẹn, có thể xử lý, tái chế dễ dàng thì mới được tiếp nhận.

Nhật Bản

Nhật Bản cũng là một quốc gia châu Á tiên phong trong việc thiết lập khung chính sách quản lý rác thải và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hiệu quả. Tại Nhật Bản, rác thải sinh hoạt được chia làm 4 loại chính, bao gồm rác dễ cháy; rác không thể cháy; rác có thể tái chế và rác thải cỡ lớn.

Rác tái chế tại một số địa phương ở Nhật Bản có thể tiếp tục được phân thành 4 loại là chai thủy tinh; lon nước giải khát; chai nhựa và bình xịt khí dung. Các loại rác tái chế này cũng cần được để riêng trước khi vứt bỏ.

Việt Nam

Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những nội dung mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 của Việt Nam, kèm theo nội dung thu phí rác thải theo khối lượng, dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Đây là công cụ quan trọng để hướng tới áp dụng kinh tế tuần hoàn cũng như thực thi công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với cộng đồng doanh nghiệp. Theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), hành vi của người tiêu dùng là mắt xích tiên quyết cần phải giải quyết để thiết lập kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì.

Cách thức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở Việt Nam đã được quy định cơ bản và đang trong quá trình xây dựng chi tiết tại mỗi đại phương. Tham khảo chính sách của các quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ tái chế có thể đem lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá giúp Việt Nam thực thi hiệu quả công cụ phân loại rác thải tại nguồn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img