Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa ở thành thị và nông thôn ngày càng nhanh chóng, kéo theo sự gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng xử lý rác thải và công tác bảo vệ môi trường.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị chiếm 60%, riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày phát thải từ 7.000 – 9.000 tấn chất thải sinh hoạt.

Làm sao để xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên?

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày phát thải từ 7.000 – 9.000 tấn chất thải sinh hoạt

Hiện có trên 70% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó chỉ 15% được chôn lấp hợp vệ sinh, nên vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí mê tan – một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính.

Mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận: chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh bởi vì chất thải của ngành nghề này có thể trở thành nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác.

Cũng tại Diễn đàn Môi trường năm 2023, với chủ đề “Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên”, Phó Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cũng như các giải pháp hữu hiệu nhằm biến rác thải sinh hoạt thành tài nguyên hữu ích để phục vụ các nhu cầu của đời sống con người. Vì xử lý chất thải rắn đang trở thành vấn đề xã hội bức thiết và là một trong những thách thức đối với quản lý Nhà nước vì mục tiêu phát triển bền vững.

Làm sao để xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên?

“Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị là nguồn tài nguyên vô cùng lớn”, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội

Các chuyên gia môi trường cho rằng, rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc ở nhiều địa phương. Lượng rác chôn lấp khá lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đến định hướng phát triển bền vững của nền kinh tế và là mối nguy tiềm ẩn cho nguồn nước ngầm và sức khỏe con người không chỉ thế hệ hôm nay và cả mai sau

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách về quản lý về môi trường và có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, quan trọng nhất là Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được Chính phủ ban hành.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình dự thảo để ban hành các Thông tư về kỹ thuật phân loại chất thải sinh hoạt. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách và đầu tư xây dựng những dự án phân loại rác sinh hoạt từ đầu nguồn thải.

Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều thách thức, khó khăn, tồn tại vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: Các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; công tác tuyên truyền và triển khai chưa đồng bộ; thành phố mới dừng lại ở tuyên truyền, vận động là chính và chưa kiểm tra, xử phạt nghiêm minh.

Cũng từ những thách thức đó, Diễn đàn Môi trường năm 2023, với chủ đề “Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên” đã được tổ chức nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới năm 2023.

Kiến nghị một số biện pháp về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ThS. Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm cấp quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Làm sao để xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TNMT

Cùng với đó, cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với Việt Nam; ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với các dự án đầu tư, nghiên cứu nhiệm vụ khoa học, công nghệ có quy mô lớn; cần bổ sung đầy đủ chính sách về đơn giá xử lý rác/mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.

Định hướng xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên, GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc ứng dụng chuyển giao các công nghệ của các nước tiên tiến, cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; rà soát và đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động một cách có hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần vào phát triển bền vững đất nước.