Không nên chỉ có một phương án “đồng phục”
Ngày 20.9, thông tin với báo chí về tình hình chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong thời gian tới, lãnh đạo TP.Hà Nội cho rằng sẽ phấn đấu tiêm phủ mũi 2 vắc xin vào tháng 11, trên cơ sở đó tính toán, xem xét cho học sinh quay trở lại trường.
Việc xác định thời gian trở lại trường quá xa trong khi Hà Nội đang khống chế hiệu quả dịch bệnh và nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 21.9 khiến nhiều ý kiến băn khoăn.
Chị Thu Phương, một phụ huynh có 2 con ở cả hai cấp tiểu học và THCS, đang học trực tuyến ở Hà Nội, đồng thời cũng là một nhà báo nhiều năm theo dõi mảng GD-ĐT, cho rằng người dân đã được đi lại bình thường, công sở đã làm việc trở lại thì lãnh đạo Hà Nội cũng nên tính đến việc từ tháng 10 cho học sinh đi học trở lại.
Chị Phương chia sẻ, những ngày gần đây con trai bé của chị đang học tiểu học đã có hôm bỏ cơm vì quá mệt khi học trực tuyến (gồm cả học chính khóa và học thêm). Cả tháng nay, cả nhà ôm máy tính, bố mẹ chầu chực canh mạng lúc vào được lúc không rất căng thẳng, trong khi hiệu quả dạy học không nhiều.
Không ít phụ huynh cũng nêu thực tế: TP nới lỏng giãn đồng nghĩa với việc cha mẹ học sinh phải đi làm, với học sinh tiểu học không thể để các con học trực tuyến ở nhà một mình được. Tai nạn xảy ra với một học sinh tiểu học do bị điện giật đã cho thấy nguy cơ mất an toàn rất cao. Đó là chưa kể chất lượng hạn chế của việc dạy học trực tuyến; lo ngại về việc học sinh ở nhà quá dài, không được vui chơi, hoạt động tập thể sẽ dẫn tới ảnh hưởng tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần…
Một số chuyên gia sau khi tiếp nhận thông tin tới tháng 11 Hà Nội mới cho học sinh trở lại trường trong khi dịch bệnh ở TP đang được kiểm soát tốt, cũng cho rằng Hà Nội nên cân nhắc lại.
Theo ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục, Hà Nội cũng như các địa phương cần tranh thủ thời gian vàng không có dịch để dạy học trực tiếp, dù đó là một xã, một huyện đang là vùng xanh, tránh việc chỉ có một phương án “đồng phục” cho tất cả các địa bàn vốn tình hình dịch bệnh rất khác nhau.
Ông Ân nêu ví dụ, qua phương tiện truyền thông ông có nghe lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Ba Vì chia sẻ 5 tháng qua huyện này không có ca F0 nào trong cộng đồng, các trường học cũng đã sẵn sàng mọi phương án phòng dịch để đón học sinh trở lại trường.
Do vậy, theo ông Ân, tại sao lại cứ bắt học sinh học trực tuyến trong khi hàng loạt các địa phương khác đang tận dụng cả ngày nghỉ trong thời gian học sinh để đến trường để dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục?
Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội nói gì?
Sáng 21.9, tại hội nghị giao ban báo chí T.Ư, lãnh đạo một số cơ quan báo chí cho rằng, có quy định về nhà máy an toàn tại sao Hà Nội không xây dựng trường học an toàn để cho học sinh đến trường, vì đây là nhu cầu rất bức thiết.
Các ý kiến này đề xuất lãnh đạo TP. Hà Nội nên xem xét và có phương án linh hoạt hơn trong việc cho học sinh trở lại trường, đặc biệt ở những vùng xanh mà cả tháng nay không có ca F0 trong cộng đồng.
Trả lời các ý kiến này, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho rằng cá nhân ông rất mong muốn cho học sinh đi học trở lại và UBND cũng đang rất cân nhắc điều này.
Theo ông Dũng, trong phương án sắp tới Hà Nội sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục đánh giá theo tiêu chí an toàn, từ đó sẽ có thí điểm triển khai tại một số vùng đảm bảo an toàn trên địa bàn TP.
“Chúng tôi cũng mong muốn triển khai sớm nhất để cho học sinh quay trở lại trường học. Việc học sinh phải học trực tuyến tại nhà kéo dài cũng gây tác động nhất định tâm lý và tiếp nhận của học sinh”, ông Dũng nói.
Nhiều địa phương linh hoạt dạy học ứng phó với dịch bệnh
Trong khi đó, tâm dịch Bình Dương, mỗi ngày lên đến hàng nghìn ca mắc Covid-19 mới nhưng vẫn có phương án tận dụng “vùng xanh” để cho học sinh được đến trường học trực tiếp. Theo đó, tỉnh này xây dựng tới 4 phương án dạy học tương ứng với 4 cấp độ kiểm soát dịch, để các nhà trường linh hoạt thực hiện.
Theo đó, các “vùng đỏ” sẽ tiếp tục học trực tuyến. Vùng có nguy cơ cao học trực tuyến kết hợp trực tiếp với tỷ lệ thời lượng mỗi hình thức là 50-50%. Vùng có nguy cơ ở mức “vàng” có thể học trực tiếp 70% và trực tuyến 30%. Và tại “vùng xanh”, học sinh sẽ tới trường học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho rằng, việc cho phép linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình kiểm soát dịch nhằm sử dụng hiệu quả “thời gian vàng” khi học sinh đi học trực tiếp, để đảm bảo hoàn thành chương trình đúng tiến độ, chất lượng.
Tỉnh Bắc Ninh dù vẫn còn có một số ca bệnh trong cộng đồng nhưng đã cho học sinh một số khối lớp đầu cấp và cuối cấp được đến trường học tập trực tiếp từ 15.9, mỗi lớp thành 2 ca, một ca học buổi sáng, một ca lớp học buổi chiều để đảm bảo giãn cách.
Ngay cả ở địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo quyết định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, Bắc Ninh vẫn bố trí cho học sinh lớp 1 và lớp 2 đến trường theo phương án địa bàn thôn, khu phố nào học tại thôn, khu phố đó đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Nhiều địa phương cũng chỉ khoanh vùng các địa bàn có ca mắc mới trong cộng đồng để dừng việc dạy học tại trường thay vì áp dụng cho cả tỉnh, thành phố; ở những “vùng xanh” vẫn tận dụng tối đa thời gian, thậm chí dạy học cả thứ bảy, chủ nhật để tranh thủ cung cấp kiến thức cốt lõi cho học sinh.
Bộ GD-ĐT đề nghị linh hoạt, tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường
Bảng thống kê của Bộ GD-ĐT đến ngày 20.9 cho thấy, trên cả nước đang tồn tại các loại hình dạy học khác nhau: có nơi dạy học trực tiếp hoàn toàn do dịch Covid-19 được kiểm soát tốt; nhiều tỉnh, thành kết hợp cả 3 loại hình là dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy học qua truyền hình.
24 địa phương, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, chỉ dạy học trực tuyến là chủ yếu và kết hợp dạy học qua truyền hình.
Công điện mới đây của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cũng nêu: “Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đề nghị cần tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định”.
|