Monday, November 25, 2024

Xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng

Sự khan hiếm nước đang trở thành mối đe dọa kinh tế toàn cầu, trong đó châu Á là một trong những khu vực sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt nhất

Trao đổi với đài CNBC bên lề Tuần lễ sinh thái thường niên của Singapore, ông Arunabha Ghosh, Giám đốc điều hành Hội đồng về Năng lượng, môi trường và nước (CEEW – tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Ấn Độ), cho biết châu Á là một trung tâm công nghiệp đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất và điều này đòi hỏi một lượng nước dồi dào.

“Không chỉ những ngành công nghiệp cũ như sản xuất thép mà cả các ngành mới hơn như sản xuất chip bán dẫn và tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đều cần rất nhiều nước” – ông nói hồi tuần trước.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến sẽ vượt nguồn cung từ 40%-50% vào năm 2030. Hội nghị thượng đỉnh về nước của Liên Hiệp Quốc diễn ra hồi tháng 3 năm nay cũng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu với hệ lụy trên nhiều mặt.

Xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng

Một giếng nước công cộng là nguồn nước quý giá của ngôi làng khô cằn Telamwadi gần Mumbai – Ấn Độ Ảnh: REUTERS

Sự khan hiếm nước đang ảnh hưởng lớn tới một số nền kinh tế lớn ở châu Á, ví dụ như Ấn Độ. Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù chiếm 18% dân số hành tinh, Ấn Độ chỉ có đủ nguồn nước cho 4% dân số và hiện là quốc gia thiếu nước nhất thế giới.

Đất nước Nam Á này vẫn phụ thuộc nhiều vào mưa do gió mùa để đáp ứng nhu cầu nước, đồng thời bị lũ lụt và hạn hán do biến đổi khí hậu tấn công, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước.

Trung Quốc – nơi nhiều vùng nông nghiệp đang oằn mình trong hạn hán – cũng gặp thêm một khó khăn khác là khoảng 80%-90% nước ngầm không phù hợp để tiêu thụ, theo Viện Lowy (Úc).

Một nửa số tầng chứa nước ở Trung Quốc hiện ô nhiễm đến mức không thể sử dụng cho cả công nghiệp lẫn nông nghiệp; trong khi 50% nước sông không phù hợp làm nước uống và một nửa của số nước không uống được đó cũng không đủ an toàn để tưới tiêu.

Mặc dù nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đạt được tiến bộ lớn trong chuyển đổi năng lượng sạch nhưng chủ lực cung cấp cho lưới điện của Trung Quốc vẫn là các nhà máy điện than, vốn cần nhiều nước, trong khi hạn hán khốc liệt làm tê liệt thủy điện, ví dụ đợt hạn nặng năm 2022 khiến sông Dương Tử khô cạn.

Các quốc gia phương Tây cũng khó lòng thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nước sâu rộng này. Các báo cáo mới đây từ nhiều quốc gia cho thấy các tầng ngậm nước đang cạn kiệt dần giữa lúc các đợt nóng, hạn hán do biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng hơn khiến mùa đông thiếu tuyết, các mùa khác cũng không đủ mưa để bổ sung nước cho sông ngòi.

Theo các chuyên gia, chìa khóa ở đây là công nghệ quản lý nước, giải pháp mà những nền kinh tế lớn như Ấn Độ và Trung Quốc có thể tiếp cận được. Reuters đưa tin Trung Quốc đang lên kế hoạch cho các siêu dự án cơ sở hạ tầng nước mới, với hy vọng đẩy lùi phần nào tác động của biến đổi khí hậu.

Vào cuối tháng 5, các quan chức đã công bố kế hoạch xây dựng một “mạng lưới nước quốc gia” bao gồm các kênh, hồ chứa và cơ sở lưu trữ mới nhằm thúc đẩy tưới tiêu, điều hòa lũ lụt và chống chọi với hạn hán.

Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Lý Quốc Anh cho biết kế hoạch này sẽ “khơi thông các động mạch chính” của hệ thống sông ngòi vào năm 2035, thúc đẩy khả năng phân phối nước toàn quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại cách tiếp cận tốn kém này có thể ảnh hưởng đến môi trường và khiến các tỉnh phía Nam Trung Quốc càng dễ bị gián đoạn nguồn cấp nước hơn. Nhà địa lý Mark Wang từ Trường ĐH Melbourne (Úc) bình luận rằng một chính sách giảm lượng nước sử dụng và tăng hiệu quả sử dụng nước mới là giải pháp bền vững.

Hệ sinh thái biển sâu gặp nguy

Vùng biển sâu ở Nam Cực đang nóng lên và co lại, tiềm ẩn những hậu quả sâu rộng đối với khí hậu và hệ sinh thái biển sâu.

Là vùng nước lạnh nhất và mặn nhất hành tinh, vùng nước ở đáy Nam Cực đóng vai trò quan trọng làm vùng đệm chống biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ lượng nhiệt dư thừa và khí thải carbon do con người tạo ra. Ngoài ra, nơi này cũng giúp luân chuyển chất dinh dưỡng xuyên đại dương.

Theo nghiên cứu được Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) công bố hôm 12-6, vùng nước ở biển Weddell – dọc bờ biển phía Bắc châu Nam Cực – đang suy giảm do những thay đổi dài hạn của gió và băng biển.

Dựa trên dữ liệu hàng thập kỷ do tàu cũng như vệ tinh thu thập, các nhà khoa học phát hiện thể tích, nhiệt độ và độ mặn của vùng biển sâu quan trọng này có nhiều thay đổi. Thể tích của vùng nước đáy lạnh giá giảm hơn 20% trong 3 thập kỷ qua và vùng nước biển ở sâu hơn 2.000 m ấm lên hơn 4 lần so với phần còn lại của các đại dương trên thế giới.

Chuyên gia Alessandro Silvano tại Trường ĐH Southampton (Anh), đồng tác giả nghiên cứu, nói với đài CNN vùng nước sâu này là thành phần thiết yếu trong vòng tuần hoàn của đại dương toàn cầu, vận chuyển lượng carbon do con người tạo ra vào đại dương sâu thẳm, nơi carbon tồn tại trong nhiều thế kỷ.

Nếu vòng tuần hoàn này yếu đi, vùng nước biển sâu có thể hấp thụ ít carbon hơn, làm hạn chế khả năng của đại dương trong việc giảm sự ấm lên toàn cầu. Các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa của thế giới từ những năm 1970 và gần 1/3 lượng khí thải carbon do con người tạo ra.

Vùng nước sâu này cũng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp oxy cho vùng biển sâu. Ông Silvano lo ngại: “Làm thế nào và liệu các hệ sinh thái biển sâu có thể thích nghi với lượng oxy ít hơn hay không”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img