Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nếu chỉ dùng để xét tốt nghiệp thì kỳ thi này không cần thiết. Tuy nhiên, kỳ thi còn có những lợi ích khác như đánh giá hiệu quả dạy học bậc phổ thông, hỗ trợ công tác xét tuyển các trường ĐH và CĐ.
Tiến sĩ Nghĩa phân tích: “Việc tổ chức kỳ thi này sẽ gồm 3 khâu lớn: đề thi, tổ chức thi và xét tốt nghiệp. Trong đó, việc tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp các địa phương đã chủ động. Bộ lo đề thi chung và vì đề chung nên kỳ thi cần diễn ra đồng loạt trong một thời điểm”.
Từ thực tế phổ điểm các năm gần đây, tiến sĩ Nghĩa cho rằng vấn đề còn lại cần hoàn thiện hơn của kỳ thi là đề thi. “Đề thi cần chuẩn hơn, cùng thước đo để có mức độ đánh giá thí sinh tương đồng giữa các năm”, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong việc đánh giá mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả kỳ thi là cần liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng xuyên suốt cả quá trình dạy học bậc học này.
Còn với kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo tiến sĩ Viên, cần phải liên tục cải tiến chất lượng và tính hoàn thiện của hệ thống ngân hàng đề thi. Song song với việc đảm bảo tính bao quát để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, cần có tính phân hóa đảm bảo đánh giá năng lực học sinh sử dụng cho xét tuyển đầu vào bậc học cao hơn (ĐH, CĐ và đào tạo nghề).
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng nhấn mạnh vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Kỳ thi này cực kỳ quan trọng, không phải chỉ để xét tốt nghiệp mà có tính chất định hướng và đánh giá quá trình dạy học bậc phổ thông. Đúng như xu hướng giáo dục chung thế giới, thi gì học nấy, nên từ kết quả đó đánh giá giúp việc dạy học được sự điều chỉnh đúng hướng để nâng cao chất lượng”, tiến sĩ Chính khẳng định.