Làn sóng chuyển nhượng, sang tên khách sạn tại TP.HCM vẫn đang tiếp diễn do thị trường quốc tế chưa hồi phục, trong khi khách nội địa đang có xu hướng chững lại, ngày càng thắt chặt chi tiêu.
Càng ngày càng khó !
Cuối tháng 4, nhiều người dân TP.HCM sửng sốt trước thông tin khách sạn chuẩn 4 sao Norfolk nằm ở số 117 Lê Thánh Tôn (Q.1) chính thức đóng cửa. Nằm ngay cạnh trụ sở UBND TP.HCM, chỉ cách phố đi bộ Nguyễn Huệ vài chục bước chân, Norfolk là một trong những liên doanh khách sạn được xây dựng đầu tiên khi VN mở cửa đón khách quốc tế vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gắn liền với sự phát triển của ngành du lịch TP.HCM. Dù phía khách sạn không xác nhận rõ nguyên nhân ngừng hoạt động nhưng rõ ràng, tình trạng vắng khách du lịch là một trong những yếu tố quan trọng khiến Norfolk phải đóng cửa sau 30 năm hoạt động. Khách sạn càng lớn, chi phí duy trì hoạt động càng cao nên khó trụ được đến ngày khách quốc tế đông đúc trở lại. Song, hệ thống khách sạn 3 sao trở xuống tại TP.HCM cũng không khá khẩm hơn.
Tìm kiếm trên Google với từ khóa “rao bán khách sạn tại TP.HCM”, hàng trăm kết quả tương ứng với hàng trăm khách sạn đang có nhu cầu chuyển nhượng. Trên nền tảng kết nối bất động sản Homedy ghi nhận tin đăng rao bán khách sạn tại TP.HCM trong 2 tháng gần đây tăng đáng kể. Trong đó có rất nhiều khách sạn hạng sang, vị trí đẹp, doanh thu và lợi nhuận trước dịch rất tốt nhưng cũng không thiếu các khách sạn quy mô nhỏ chỉ 15 – 20 phòng, mô hình nhà nghỉ, motel từ trung tâm TP ra tới các quận, huyện vùng ven. Theo thống kê, các khách sạn tại TP.HCM hiện được rao bán với giá từ 14 – 590 tỉ đồng, tùy vào phân khúc, diện tích, nội thất.
Báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM cho biết tính đến cuối năm 2022, TP có 3.227 cơ sở lưu trú các loại, tương ứng hơn 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh. Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng từ 1 – 5 sao; 2.902 khách sạn đạt tiêu chí tối thiểu về cơ sở vật chất và kỹ thuật dịch vụ. So với cuối năm 2019 tổng số cơ sở lưu trú hạng 1 – 5 sao giảm từ 1.342 cơ sở còn 325 cơ sở, nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp gặp khó khăn. Dù khách du lịch đã trở lại nhưng tình hình kinh doanh vẫn chưa khởi sắc. Điển hình tại địa bàn Q.1 có 308 cơ sở lưu trú du lịch thì khảo sát cho thấy khoảng 20 cơ sở đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động hoặc đổi chủ, trả mặt bằng, thay đổi loại hình kinh doanh…
Trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM đã thu hút hơn 1,3 triệu khách quốc tế và gần 10,6 triệu khách du lịch nội địa. Ngành du lịch TP đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2023, 35 triệu lượt khách du lịch nội địa và tổng thu du lịch phấn đấu đạt 160.000 tỉ đồng.
Không bất ngờ với tình trạng nhà nghỉ, khách sạn vẫn ồ ạt rao bán, bà Nguyễn Thị Thúy Loan, Phó tổng giám đốc hệ thống khách sạn A25, thông tin tình hình kinh doanh càng ngày càng khó. Đã hơn 1 năm kể từ khi du lịch chính thức mở cửa nhưng lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế chưa hồi phục nên doanh thu khách sạn sụt giảm trầm trọng.
Mặt khác, mở cửa trở lại sau gần 2 năm phải đóng vì dịch bệnh, cơ sở vật chất của A25 bị xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà thấm dột, các thiết bị điện tử như ti vi, tủ lạnh, hệ thống đèn trang trí… đều phải thay thế mới. Cùng với đó, các chi phí điện nước, vốn vay nhà nước cũng đã hết thời hạn ưu đãi. Lương nhân viên ngày càng cao nên các nguồn vốn nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất hầu như không còn. “Nói chung, cố được tí nào thì cố thôi chứ giờ cũng không biết thế nào. Kinh tế suy thoái rồi chiến sự, khủng hoảng chính trị trên thế giới tác động rất lớn tới nhu cầu du lịch, đi lại của cả khách quốc tế và khách trong nước”, bà Loan đánh giá.
Không nguồn nào có thể thay thế khách quốc tế
Nhận xét tổng quan về tình hình thị trường, bà Nguyễn Hoàng Như Thảo, đại diện khách sạn Wink (TP.HCM), chia sẻ Covid-19 cùng sự suy thoái của kinh tế trong và sau dịch dẫn đến hàng loạt thị trường khách du lịch lớn và trọng điểm phải đóng cửa. Đồng thời, làm thay đổi hành vi của khách hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của cả hệ sinh thái ngành du lịch, trong đó có lưu trú. Bên cạnh đó, du lịch TP đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa loại hình kinh doanh truyền thống và đặt phòng qua trang bán phòng online (Booking, Agoda, Traveloka…). Đáng nói, thị trường còn xuất hiện tình trạng kinh doanh phá giá, tự ý “phong sao” trong khi chưa đủ tiêu chuẩn…Ngoài ra, nhiều cơ sở lưu trú du lịch đang gặp những khó khăn nhất định về quy định thẩm duyệt PCCC do cơ sở xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chí, nhất là các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ xây dựng trước khi luật PCCC có hiệu lực.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM, TP có lợi thế hơn các địa phương khác nhờ sở hữu hơn 3.227 cơ sở lưu trú du lịch rộng khắp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở lưu trú đạt điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch và khách sạn 0 – 3 sao trên địa bàn đang phải nỗ lực vượt khó duy trì hoạt động. Từ đầu năm 2022, Sở Du lịch đã đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái du lịch, chủ động triển khai nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển ngành. Mặc dù vậy, hệ thống khách sạn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn chưa kịp hồi phục như kỳ vọng, nhất là sức mua của thị trường chưa có dấu hiệu tăng trưởng như cùng kỳ năm 2019.
Hàng loạt khách sạn phải đóng cửa, ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình, chủ yếu do lượng khách quốc tế đến TP.HCM chưa nhiều nên hoạt động kinh doanh chưa thể phục hồi. Sở Du lịch đang phối hợp cùng các doanh nghiệp, địa phương và chuyên gia nghiên cứu và triển khai các giải pháp cụ thể phát triển hiệu quả lĩnh vực khách sạn trong năm 2023 và những năm tiếp theo phù hợp với định hướng, chủ trương của chính quyền TP. Trong đó, sẽ đặc biệt chú trọng tới việc đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, hình thành những bộ sản phẩm hấp dẫn hướng đến gia tăng sự trải nghiệm và thu hút du khách đến lưu trú tại TP lâu hơn.
“Chừng nào khách quốc tế chưa hồi phục, chúng tôi cũng khó bứt dậy được. Hiện nay doanh thu thì chỉ đủ đáp ứng các khoản chi phí phải trả hằng tháng như: lương, chi phí điện nước, internet, và các khoản phí khác. Doanh nghiệp kinh doanh không có lãi”, bà Nguyễn Hoàng Như Thảo nói.
Đại diện khách sạn Kim Đô – Royal Hotel Saigon cũng khẳng định cán cân nguồn khách từ 80% khách quốc tế – 20% khách nội địa giai đoạn trước dịch giờ đảo chiều khiến doanh thu của khách sạn sụt giảm, không như mong đợi. Năm 2019 là thời hoàng kim của du lịch VN – khách quốc tế tới đông, kinh tế dư dả nên chi tiêu thoải mái trong khoản ăn uống, giải trí tăng thêm. Hiện nay, khách nội địa vốn đã chi tiêu dè chừng hơn, sau dịch kinh tế khó khăn, lại càng tính toán, chắt bóp.
“Giá phòng giảm, khách giảm, chi tiêu của khách giảm, trong khi chi phí điện, nước, thuế đất… lại tăng nên kinh doanh ngành dịch vụ lưu trú trong năm nay nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Đấy là khu vực miền Nam còn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng thiếu điện, cắt điện như phía bắc. Nếu sắp tới tình hình căng thẳng thì các khách sạn sẽ còn khó khăn. Nói chung giờ động vào cái gì cũng thấy lo”, đại diện khách sạn Kim Đô nhìn nhận và đề xuất bên cạnh các chính sách mở visa, Chính phủ, các bộ, ngành cần có thêm các chính sách hỗ trợ ngành lưu trú, dịch vụ, du lịch như giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất, miễn/giảm thuế đất, tiền nước… để giúp ngành du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nguồn: thanhnien.vn