Một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 được cụ thể hóa trong Nghị quyết 105/NQ-CP là đề xuất miễn nộp công đoàn phí cho công đoàn viên và giảm đóng kinh phí công đoàn năm 2021 và 2022 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

“Đừng để kinh phí công đoàn là gánh nặng cho doanh nghiệp”

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với đề xuất của 14 hiệp hội về miễn đóng phí công đoàn hết năm, song phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Công đoàn, nghiên cứu giảm mức đóng kinh phí công đoàn.

Ngày 1/9, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lý giải, theo Luật Công đoàn, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. “Việc miễn giảm phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Quốc hội thông qua, vì quy định này nằm trong Luật”, ông nói.

Ông chia sẻ, chủ trương miễn giảm kinh phí công đoàn 2021-2022 đã được cơ quan này tham mưu khi góp ý dự thảo Nghị quyết Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch từ giữa tháng 8. Song mức giảm bao nhiêu, thực hiện thế nào thì phải chờ Quốc hội thông qua. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ cùng với bộ ngành thống nhất những nhóm doanh nghiệp nào được miễn giảm.

Về vấn đề này, theo ông Đỗ Văn Sinh, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngoài việc miễn công đoàn phí và kinh phí công đoàn “ngay và luôn” để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn thì cũng nghiêm túc nghiên cứu xem có nên luật hóa việc doanh nghiệp phải nộp kinh phí công đoàn hay không khi sửa Luật Công đoàn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, kinh phí công đoàn do người sử dụng lao động đóng bằng 2% quỹ lương tính bảo hiểm xã hội không khác gì một khoản thuế. Với những ngành thâm dụng lao động như chế biến thuỷ sản, dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, điện thoại… thì khoản đóng góp kinh phí công đoàn là gánh nặng vô cùng lớn.

Đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, giảm tối đa chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, nhưng ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thắc mắc, không hiểu vì sao kiến nghị giảm kinh phí công đoàn đã được nhiều hiệp hội ngành hàng lên tiếng, nhưng đến nay vẫn không sửa, thậm chí Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn vẫn giữ nguyên mức thu phí công đoàn 2% tính trên quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội được doanh nghiệp trả cho người lao động.

Theo quy định tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có việc người lao động được tự do hiệp hội và thúc đẩy quyền thương lượng tập thể. Điều đó có nghĩa là bên cạnh tổ chức công đoàn, người lao động có thể tham gia tổ chức tương tự, có thể tham gia cả 2 tổ chức hoặc chỉ tham gia một trong 2 tổ chức mà họ thấy phù hợp, thực sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

“”, ông Đỗ Văn Sinh kiến nghị.